Cách sử dụng con người, chiến thuật thay đổi cầu thủ trong từng trận đấu, những miếng đánh bất ngờ… dựa trên nền tảng nhân sự có sẵn và gần như không biến động nhiều đã tạo nên phẩm chất của nhà cầm quân người Hàn Quốc. Điều đó được thể hiện xuyên suốt quá trình từ khi ông Park đến và bắt tay vào công việc cách tân bóng đá Việt Nam. Nhiều đồng nghiệp của ông Park, như Shin Tae-yong, dù rất cay đắng trong những lần đối đầu thất bại, cũng phải thừa nhận rằng ông Park và trợ lý Lee Young-jin là “cặp bài trùng” ăn ý nhất mà bóng đá Đông Nam Á từng chứng kiến trong nhiều thập niên gần đây.
Cho nên, những người “ngoại đạo” như bà Lamsan nể phục ông Park xem ra cũng chẳng bất ngờ: “Tôi kính trọng ông Park Hang-seo, vì đấy là người đã thay đổi diện mạo cho bóng đá Việt Nam, đồng thời tạo nên một sự cân bằng cho bóng đá khu vực”.
Trước khi bóng đá Việt Nam khởi sắc dưới thời ông Park, Thái Lan vẫn được xem là số 1 khu vực. Việc bị soán ngôi, cộng thêm những thất bại liên tiếp trước Việt Nam ở SEA Games lẫn vòng loại World Cup khiến những người làm bóng đá Thái Lan nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi.
Hơi tiếc một chút bởi vì trong trận đấu tối 13-1 ở Mỹ Đình, ông Park đã gặp vấn đề với chính sở trường dùng người của mình. Đó là việc sử dụng trung vệ Duy Mạnh, rồi sau đó Việt Anh, đều chơi dưới sức, trong khi Thành Chung đã thể hiện rất chắc chắn, tỉnh táo và thậm chí có thể tham gia hỗ trợ tấn công khi cần thiết trước đó.
Hôm qua, ông Park chính thức chia tay sân Mỹ Đình, chia tay những trận đấu cùng đội tuyển Việt Nam ở trong nước. Nếu đó là chiến thắng, dư vị hẳn sẽ ngọt ngào hơn. Nhưng chẳng sao, kết quả hòa là điều chấp nhận được. Phía trước ông cùng đội tuyển quốc gia vẫn còn trận chung kết lượt về trên đất khách Thái Lan. Đấy mới là lúc người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại dồn niềm tin, sự kỳ vọng lên vị “kiến trúc sư trưởng” của mình, để chờ đợi được thêm một lần hưởng hương vị chiến thắng trên đỉnh cao AFF Cup…