> Thể thao Việt Nam chọn môn trọng điểm đầu tư cho ASIAD và Olympic
Cục TDTT đã làm việc với các đơn vị chuyên môn (Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 – Cục TDTT) cùng tất cả các bộ môn để thảo luận kỹ hơn các nội dung trong xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ ASIAD và Olympic ở ngày 19-9 tại Hà Nội.
Qua tìm hiểu của SGGP, lãnh đạo ngành thể thao thu nhận các báo cáo chuyên môn từ thực tế thi đấu (có kết quả, có thành tích và không có thành tích) của nhiều môn thể thao tại đấu trường ASIAD 19 và Olympic Paris (Pháp) 2024. Bài toán đặt ra là chúng ta sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư trọng điểm vào nội dung nào của một số môn thể thao mũi nhọn được dự báo đủ khả năng tranh chấp huy chương ASIAD? Về điều này, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt chủ trì buổi làm việc đã yêu cầu từng môn phải rà soát kỹ các mặt mạnh, mặt yếu và nội dung trọng điểm của mình để đưa ra để xuất xác thực nhất.
Thực tế tại 2 kỳ ASIAD gần nhất (năm 2018, 2023), thể thao Việt Nam giành được HCV trong các môn gồm karate, bắn súng, cầu mây, điền kinh, đua thuyền rowing, pencak silat. Với đấu trường Olympic trong 2 kỳ gần nhất (năm 2020, 2024), chúng ta chỉ có VĐV tiệm cận được kết quả huy chương ở môn bắn súng, cử tạ. Quan điểm của các đơn vị chuyên môn (Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 – Cục TDTT) đó là nội dung cụ thể phải được đầu tư xác đáng, và có sự đồng bộ. Đồng thời, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ HLV có trình độ làm những người đảm bảo được công tác chuyên môn cho VĐV.
Bất kể Đề án của lĩnh vực thể thao khi xây dựng phải cần nguồn kinh phí để thực hiện. Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ ASIAD, Olympic có nội dung trọng tâm hướng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Chưa kể, chúng ta sắp có Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2024 sẽ được phê duyệt. Cũng như, ngành thể thao đang triển khai thực hiện Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Mỗi Đề án có nhiệm vụ chuyên biệt riêng, nhưng trên hết phải có sự đồng bộ, thống nhất và nguồn lực tài chính đảm bảo đi xuyên suốt trong một thời gian.
Việc rà soát từng nội dung trong tất cả các môn thể thao thành tích cao mà thể thao Việt Nam đang đầu tư, xây dựng và đào tạo huấn luyện là cần thiết. Tuy thế, để làm nhiệm vụ trọng điểm thì nhà quản lý phải có sự quyết đoán giới hạn trong số nội dung của số môn cụ thể. Chúng ta không thể dàn trải cho tất cả. Dù rằng, việc đầu tư cho các môn thể thao là cần thiết. Nhưng khi cần phải khẳng định kết quả chuyên môn tốt nhất trong đấu trường ASIAD, Olympic thì con người trọng điểm và nội dung trọng điểm là yếu tố quyết định.
Tại ASIAD 18 năm 2018 ở Indonesia, thể thao Việt Nam giành huy chương trong các môn gồm điền kinh, đua thuyền rowing, pencak silat, cử tạ, wushu, bơi, karate, cầu mây, bắn súng, jujitsu, boxing. Tại ASIAD 19 năm 2023 ở Trung Quốc, chúng ta có huy chương ở các môn bắn súng, TDDC, karate, cầu mây, boxing, kurash, cầu mây, wushu, đua thuyền rowing, taekwondo, bơi, cờ tướng. Đây là những môn đã có kết quả nên vẫn cần tính toán cụ thể về nội dung phù hợp để xây dựng việc đầu tư trọng điểm.