Nên sa thải ông Miura?

Tranh cãi 1: Yếu tố con ngườiNên:

Có lẽ chưa khi nào mà dù đội tuyển U.23 “có thành tích” nhưng HLV trưởng lại nhận nhiều sự “bất tín nhiệm” của giới chuyên môn như trường hợp của HLV Miura. Thậm chí, nhiều chuyên gia đã nói thẳng “phải sa thải”. Không thể không quan tâm đến những phản biện hoàn toàn có cơ sở ấy bởi như đã nói, đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam gặp “ca khó” như Miura.

Nên sa thải ông Miura? ảnh 1

HLV Miura ngày ra mắt người hâm mộ Việt Nam.

Tranh cãi 1: Yếu tố con người

Nên:
Đa số những người phản đối HLV Miura xuất phát từ việc cho rằng Việt Nam hiện đang có một lứa cầu thủ quá tốt. Lần đầu tiên kể từ năm 2005, đội U.23 là một sự tổng hòa giữa nhóm cầu thủ đang chơi ở tuyển quốc gia + đúng tuổi U.23 + Những tài năng trẻ đang tỏa sáng. Chúng ta nhớ, tại SEA Games 2005, dù đã đá tuyển quốc gia nhưng vì mới 20 tuổi nên Công Vinh còn phải ngồi dự bị cho Văn Quyến và Thanh Bình. Lần SEA Games 2015 này cũng vậy, chúng ta có những cầu thủ mới 18-19 như Duy Mạnh, có ngôi sao Công Phượng mới 20, có những trụ cột của ĐTQG như Ngọc Hải, Hồng Quân, Huy Hùng… Như vậy, với con người tốt như thế thì việc không vào được chung kết được đánh giá là thất bại. Nói cách khác, làm “quân” như vậy mà không thành công, lỗi là tại “tướng”.

Không nên: Khen con người của U.23 thì chẳng khác gì… khen ông Miura. Đây là chi tiết mà nhiều người phản đối hay quên. Kể từ sau Calisto thì Miura là HLV chọn người theo ý mình, bằng việc quan sát cực kỳ kiên nhẫn ở mọi trận đấu V-League, hạng nhất. Nếu Calisto còn có lợi thế là “ăn dầm nằm dề” với bóng đá Việt thì Miura hoàn toàn làm việc theo khoa học và khả năng nhìn người của cá nhân ông. Để thành công đối với một tập thể, điều quan trọng nhất chính là “nhìn người” và xét ở khía cạnh ấy, ông Miura quá giỏi.

Hơn nữa, để có U.23 như tại SEA Games 28, HLV Miura đã thực hiện một quy trình “lọc” có thể nói là “khủng khiếp” nhất từ trước đến nay. Xin nhớ rằng, dù mới làm cho bóng đá Việt Nam có 1 năm nhưng chưa HLV nào trong lịch sử lại “nắm” nhiều đội tuyển như ông Miura: ĐTQG – Olympic – U.22 – U.23. Khối lượng công việc của Miura thực sự khổng lồ và chúng ta cần ghi nhận cái công ấy của ông.

Tranh cãi 2: Yếu tố chuyên môn

Nên: Với chừng đó quá trình “lọc” cầu thủ thế mà vào giải HLV Miura lại thay đổi đội hình xoành xoạch. Đây không phải là lần đầu tiên, tại AFF Cup 2014, dù tập huấn 3 tháng, đá gần chục trận, vào giải vẫn đổi đội hình.

Xét về nguyên tắc huấn luyện, điều này chắc chắn dẫn đến sai lầm. Các đội tuyển khi đó giống như một bãi chiến trường, chẳng biết đâu là "quân tiên phong”, đâu là “quân chủ lực” hay “lực lượng dự bị”. Chuyện thay đổi xoành xoạch đội hình thường chỉ diễn ra khi thi đấu những vòng loại kéo cả năm trời bởi mỗi lần tập trung thường có sự biến động nhân sự do lệ thuộc vào phong độ cầu thủ từng thời điểm. Tuy nhiên, một khi đã đi đá giải thì người ta buộc phải có đội hình chính, càng ổn định càng tốt. Chính vì thế mới phải tốn thời gian để tập luyện 1-2 tháng trước khi vào giải. Nguyên tắc này đâu chỉ được áp dụng với các VCK giải mà còn ở những giải VĐQG mấy chục vòng đấu đôi khi cứ dùng 1 đội hình, 1 cách chơi.

Không nên: Công bằng mà nói, nếu những người làm chuyên môn nói rằng ông Miura sai về chuyên môn thì không còn gì phải bình luận thêm. Theo quan sát của chúng tôi, sau Dido và Letard thì Miura chính là HLV bị chê nhiều nhất. Tất nhiên, những phê phán ấy đều đúng cả.

Nhưng cũng công bằng mà nói, cái được mà ông Miura đem đến cho các đội tuyển nhiều hơn cái ông ấy thiếu. Hơn nữa, mọi thứ có thể sẽ khác nếu VFF có bộ phận hỗ trợ chuyên môn đúng nghĩa, tốt hơn hết là một giám đốc kỹ thuật. Năng lực của ông Miura có thể kém nhưng ai đánh giá điều đó? Sa thải ông Miura thì chọn ai khi không hề có bộ phận thẩm định chuyên môn? Quan trọng hơn, tại sao phải sa thải khi chưa từng có ai thực sự ngồi lại với ông thầy người Nhật để góp ý, phản biện và điều chỉnh. Làm việc đó được thì vẫn tốt hơn là phê phán và đòi sa thải ông Miura.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục