“Các vị ăn tiệc thì cũng cho chúng tôi húp nước với chứ!” - câu nói “danh giá” của Giám đốc Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, cho đến giờ vẫn khiến dư luận ngạc nhiên trước cách điều hành và văn hóa kinh doanh của một người được Bộ VH-TT-DL phân công thực thi nhiệm vụ công. Tranh cãi về phi vụ “hét” giá của sân Mỹ Đình cho trận tuyển Việt Nam với CLB danh giá Arsenal sau phát biểu trên của ông Nghĩa vẫn còn bị công luận chỉ trích, dù cũng có vài ý kiến nhỏ quay lại kết tội VFF và các nhà tổ chức trận đấu không biết chia phần khi ăn miếng bánh ngon! Tuy nhiên, qua vụ việc này có thể thấy rất rõ kiểu làm ăn bất chấp trong kinh doanh gần đây mà Mỹ Đình là một điển hình.
Một: giá thuê sân như giá rau. Mà thực tế, rau ngoài chợ vẫn có giá của nó, không một người bán rau nào dám tự tiện đưa ra mức giá cao hơn mặt bằng. Cái giống ở đây là giá rau có thể tăng đột xuất do một vài người tự đẩy lên mà người mua buộc phải cắn răng chấp nhận như vào các ngày lễ cúng mỗi năm chỉ có một hai lần. Lần này, giá thuê sân bóng Mỹ Đình cũng bị đẩy lên theo kiểu “hốt một lần ăn được cả năm”. Nhưng buồn thay khi đây là một sân vận động lớn nhất quốc gia lại không có một biểu giá cụ thể nào cho các trận đấu trong nước, quốc tế hay tổ chức các sự kiện! Nếu có thì đâu cần phải kỳ kèo đôi co. Có lẽ, kiểu kinh doanh thua người bán rau là ở chỗ đó.
Hai: tranh thủ “kiếm cơm”. Phát biểu về “ăn tiệc” và “húp nước” như trên đã cho thấy rõ bản chất của vụ việc này. Trong kinh doanh, có thể có “đi đêm”, nhưng chưa từng nghe ai bày tỏ bản chất thực sự về chia phần mà không căn cứ vào các yếu tố khác như vụ này. Có thể các nhà tổ chức có nhiều tiền, thi đấu lại là CLB nổi tiếng bậc nhất thế giới, nhưng đâu phải vì vậy mà bỏ qua những nguyên tắc kinh doanh cơ bản.
Ba: 2 lời. Trong chương trình thời sự tối 16-6, kênh VTV1 đã phát đoạn phỏng vấn ông giám đốc sân Mỹ Đình vào tháng 10-2012 và phỏng vấn mới nhất về vụ giá thuê sân. Tại đây, biên tập viên chương trình đã cho thấy vị giám đốc này nói trái ngược nhau. Ông nêu lý do đưa ra mức giá “trên trời” cho trận đấu với Arsenal là nhằm có nguồn thu vì sân Mỹ Đình được giao tự chủ, mà ít nhất năm nay cũng phải kiếm đủ 40 tỷ đồng, trong khi để đạt con số này là hết sức khó khăn. Nhưng trong phát biểu vào tháng 10-2012 về việc vì sao phải bung ra cho thuê đủ loại hình ở khu liên hợp, cũng chính vị này nói kiếm được số tiền đó là trong tầm tay! Cách nhau vài tháng mà có hai cách nói ngược nhau!
Mới nhất, phía sân Mỹ Đình đã dựa vào câu nói của đại diện VFF cho rằng, trận đấu với Arsenal còn phục vụ nhiệm vụ chính trị để “phản pháo” lại VFF. Sự thật, để phân tích về quan điểm của VFF sẽ phải tốn nhiều giấy mực, nhưng với những ai có chút hiểu biết thì thấy VFF nói hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, dù phục vụ gì đi nữa hay đơn thuần là một trận đấu thể thao thì cũng đừng nên lợi dụng nó để “kiếm cơm” một cách thô thiển. Bởi điều chính xác nhất là sân Mỹ Đình không phải của riêng một ai, mà những người ở đó chỉ được nhà nước giao quản lý nó mà thôi.
PHƯƠNG NAM
| |