Muôn kiểu săn vé xem đội tuyển

Không còn cảnh chen lấn xếp hàng như trước, thay vào đó giới “phe vé” tập trung “tấn công” ứng dụng VinID bằng nhiều thủ thuật, sẵn sàng mua lại vé của người bán lẻ trên mạng để bán lại với giá cao gấp 5-6 cho người hâm mộ muốn vào sân Mỹ Đình để thưởng lãm bóng đá. Vé thật, vé giả được rao bán tràn lan trên mạng, nếu không cảnh giác, ai cũng có thể bị lừa.
Đội tuyển Việt Nam tạo ra sức lôi cuốn mạnh mẽ người hâm mộ bóng đá nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tuyển Việt Nam tạo ra sức lôi cuốn mạnh mẽ người hâm mộ bóng đá nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ám ảnh vé giả

Thời điểm cách trận Việt Nam tiếp UAE 2 giờ (hôm 14-11), một số CĐV đến từ Hải Dương hớn hở cầm vé trong tay, tiến đến cổng soát vé vào khán đài B. Những tưởng được vào sớm, thế nhưng khi nhân viên soát vé khẳng định đấy là những tấm… vé giả, cả nhóm choáng váng. Họ ngậm ngùi kéo nhau đến mấy quán nước phía ngoài khuôn viên sân Mỹ Đình, chờ xem đội tuyển thi đấu qua nhiều màn hình lớn được lắp đặt sẵn.

“Vé tôi mua qua một người bán trên Facebook với giá 4 triệu đồng/cặp, ngồi dãy chẵn ở khán đài B. Cả nhóm có 6 người, mua hết 12 triệu đồng. Nhìn thì không biết được là giả vì đầy đủ thông số, có cả tem chống giả, nhưng khi soi bằng đèn chuyên dụng lại không thấy các vạch màu, tem dán dễ bị tróc…Tiếc lắm nhưng biết làm sao bây giờ, sát giờ đội tuyển đá rồi, mua vé lúc này đắt quá (3,5 triệu đồng/vé khán đài B được dân phe vé rao bán - PV). Anh em đành ngồi xem ti vi vậy…”, anh Long ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thổ lộ.

Mặc dù đã lường trước có thể bị lừa mua vé giả, nhưng vì sức hút của đội tuyển không ít người hâm mộ chấp nhận xuống tiền mua vé qua mạng, được người bán giao tận nơi và nhận tiền. Nhằm tăng thêm độ tin cậy cho khách, những kẻ cung cấp vé giả thường thuê sinh viên hoặc người thân bán giúp với lý do “bận việc nên không đến sân xem được, đành phải nhường lại cho ai có nhu cầu” và mỗi người chỉ bán ra 1-2 vé chứ không bán số lượng lớn…

Nhưng ngay cả khi người hâm mộ đã bước vào sân, yên vị ở hàng ghế quy định, thì câu chuyện vé giả vẫn chưa dừng lại. Không ít người khi đã ngồi vào ghế của mình, ít phút sau có người đến…, đòi lại chỗ vì vé của họ cũng in số ghế tương tự. Tranh cãi vì bức xúc, tình hình trở nên căng thẳng khiến các chiến sĩ an ninh giữ trật tự ở khu vực này phải vất vả dàn hòa. Khi nhân viên soát vé đến tận nơi kiểm tra mới phát hiện ra nhóm người đến trước mua… vé giả!

Chấp nhận đứng dọc cầu thang lên xuống để xem cả trận đấu, nhóm người mua phải vé giả vừa bức xúc lại vừa tiếc tiền, chỉ còn biết tự trách bản thân mất cảnh giác nên mới bị lừa.

Điều chúng tôi thắc mắc là vì sao những người cầm trong tay vé giả vẫn có thể “lọt” qua vòng kiểm soát bên ngoài (3 vòng) để vào sân? 

Cầu luôn vượt cung

Còn nhớ, khi thầy trò HLV Park Hang-seo bắt đầu cuộc hành trình ở vòng loại World Cup 2022, với chuyến làm khách trên sân Thammasat của Thái Lan, các CĐV của Việt Nam đã phải khổ sở săn tìm vé để được vào sân cổ vũ.

Cơn sốt vé bùng lên, nhất là sau khi Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) chỉ bán cho khán giả Việt Nam chưa tới 2.000 vé, trong khi sức chứa của sân là 25.000 chỗ. Cho nên, các CĐV có người mua được vé qua kênh chính thức, hoặc nhờ bạn bè tại Thái Lan mua, thậm chí tới thị trường “chợ đen” ở xứ Chùa vàng để mua với số lượng rất hạn chế.

Chưa kể, các CĐV phải chi thêm khá nhiều tiền để mua vé máy bay, thuê khách sạn, ăn uống trong những ngày lưu lại Thái Lan.

“Khan hiếm vé” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây, vì không phải người hâm mộ nào cũng may mắn mua được vé, dù số lượng được VFF bán ra từ 25.000 - 30.000 vé cho mỗi trận đấu.

Dân “phe” nắm rất rõ mọi thay đổi từ cơ chế của VFF, cho nên cũng tìm đủ mọi mánh lới để có thể thu gom vé, trước khi đẩy ra thị trường bán với giá cao gấp nhiều lần, nhất là khi khách hàng bằng mọi giá mua để biếu đối tác làm ăn hoặc tặng người thân, bạn bè.

Muôn kiểu săn vé xem đội tuyển ảnh 1 Vé xem các trận đấu của đội tuyển Việt Nam được VFF bán qua ứn dụng VinID. Ảnh: PHÚC NGUYỄN                                                                     

Kể từ thời điểm ứng dụng VinID được chỉ định bán vé chính thức cho VFF, tình trạng nghẽn mạng khi mở bán đã xảy ra, kéo theo đó là bức xúc và chỉ trích từ người hâm mộ. Nhưng đấy là cách làm văn minh, và theo lý giải của VFF, sẽ xóa bỏ được tình trạng dân “phe” gian lận, chen lấn và thậm chí đánh nhau để giành chỗ xếp hàng ở khu vực đặt quầy cung cấp.

Trên thực tế, ngoại trừ sự cố một số đối tượng manh động, giả danh thương binh kéo đến trụ sở VFF gây sức ép đòi mua bằng được vé giá gốc, hiện tình trạng hỗn loạn và gây phản cảm đã chấm dứt.

Cổ động viên trung thành có thể được ưu tiên

Trước cơn sốt vé xảy ra liên tiếp gần đây, đồng thời chứng kiến tình trạng nhiều người hâm mộ phải mua vé với giá “cắt cổ” từ người bán vé lẻ, VFF đã đề xuất phương án bán vé theo năm cho đại diện các hội CĐV.

Ông Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF) lý giải: “Việc các CĐV luôn theo sát đồng hành cùng các đội tuyển Việt Nam là điều rất đáng quý và là sự cổ vũ quan trọng với các đội. Chúng tôi luôn cố gắng để CĐV có thể theo sát các đội tuyển quốc gia, đặc biệt khi các đội tuyển thi đấu trên sân nhà.

Đại diện các hội CĐV có thể đăng ký mua vé theo năm, với số lượng vé cố định (không phân biệt trận đấu nào) đối với các trận đấu của các đội tuyển quốc gia, trên cơ sở đó VFF sẵn sàng và cam kết giữ vé. Số lượng vé sẽ căn cứ theo công suất của địa điểm thi đấu, điều kiện tổ chức và khả năng đáp ứng của sân đó”.

Thậm chí, VFF từng tính đến việc cấp thẻ thành viên cho các CĐV, sẽ căn cứ vào đó để phân loại và đưa ra chính sách ưu tiên bán vé cho các trường hợp luôn đồng hành thực sự cùng đội tuyển, không chỉ ở những trận đấu chính thức mà cả ở các trận giao hữu. Phương án này nghe thì ổn, nhưng sẽ khó thực hiện vì việc thẩm định CĐV không hề dễ dàng.
                                                                                                   LÊ HÙNG 

Tin cùng chuyên mục