Muộn còn hơn không...

V-League chuẩn bị lên tuổi 16 nhưng các nhà điều hành mới bàn đến chuyện mua bảo hiểm cho cầu thủ chuyên nghiệp thì quả là quá muộn.

V-League chuẩn bị lên tuổi 16 nhưng các nhà điều hành mới bàn đến chuyện mua bảo hiểm cho cầu thủ chuyên nghiệp thì quả là quá muộn.

Theo cách tính của VPF, dự thu ở mùa giải 2016 khoảng 131 tỷ đồng, trong đó tiền thu từ bản quyền truyền hình là 30 tỷ đồng. So với năm 2015, VPF hỗ trợ các CLB hạng Nhất hơn 3,3 tỷ đồng, các đội bóng dự V-League 11,5 tỷ đồng thì đến sang năm, tiền hỗ trợ các CLB sẽ được nâng lên 22,8 tỷ đồng. Riêng chỗ VFF được hỗ trợ 10 tỷ đồng cho công tác đào tạo trẻ. Như vậy, thực chi cho các CLB tại mùa giải 2016 cao hơn hẳn so với năm 2015. Với nguồn tiền ấy, VPF đã tuyên bố sẽ phối hợp với VFF lên kế hoạch chi tiêu hợp lý để mua bảo hiểm cho các cầu thủ chuyên nghiệp ở 2 giải đấu trên. Đây được xem như bước đột phá tại mùa giải 2016, bởi bảo hiểm thể thao cho cầu thủ vốn là vấn đề từng đưa vào quên lãng.

VPF dự tính mùa giải 2016 sẽ thu về 131 tỷ đồng. Ảnh: Dũng Phương

Trao đổi về việc này, ông Phạm Ngọc Viễn - nguyên Tổng Giám đốc VPF cho biết: “VPF đã chọn được công ty bảo hiểm cho cầu thủ và sẽ tiến hành đàm phán trong thời gian tới. VPF sẽ cân nhắc các gói bảo hiểm để có lựa chọn phù hợp nhất. Trước mắt, ưu tiên bảo hiểm cho đôi chân cầu thủ, vì đây là bộ phận dễ gặp chấn thương trong thi đấu. Cái này sẽ giúp các cầu thủ yên tâm thi đấu, vì nếu như xảy ra chấn thương, bảo hiểm chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị, tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà VPF lựa chọn”.

Nói chuyện bồi thường ở V-League đúng là nhiêu khê thật. Chẳng hạn như những lùm xùm giữa Ngọc Hải (SLNA) và Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) tưởng như dễ kết thúc, nhưng mãi tới nay vẫn còn dai dẳng. Khi mà cầu thủ xứ Nghệ đang vật vã xin giảm bớt tiền đền bù chi phí điều trị của Anh Khoa, được cho lên tới gần 1 tỷ đồng.

Có thực tế là chấn thương trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là điều vẫn hay gặp. Các cầu thủ thi đấu cũng xem đấy như tai nạn nghề nghiệp. Ví như Anh Khoa, đâu phải trường hợp đầu tiên gặp chấn thương rồi bay sang Singapore chữa trị, nhưng vẫn không chắc ngày anh quay lại sân cỏ. Còn phía Ngọc Hải cũng gánh chịu án phạt bị đình chỉ thi đấu 6 tháng, nộp phạt 15 triệu đồng và không được gọi lên tuyển.

Tuy nhiên, nghiệt ngã hơn là ở chỗ tiền bồi thường chi phí chữa trị rất lớn. Cũng do trước đấy, Ban Kỷ luật VFF dựa vào Điều 39 - hành vi xâm phạm thân thể rồi khép Ngọc Hải vào khung hình phạt và buộc chịu mọi chi phí điều trị chấn thương (!?). Bình luận về án phạt đưa ra, có HLV cho rằng án tuy nghiêm nhưng rất… vụng. Nói đúng hơn đấy là sự hời hợt, mà chuyện hời hợt của người có trách nhiệm lâu nay bị xem như một thứ bệnh.

Thể thao Việt Nam đã lên chuyên nghiệp, nhưng khổ nỗi là nhiều người cứ “vô tư” trong việc ứng dụng luật vào thực tế, để rồi sau đó khi dư luận lên tiếng thì mọi thứ đã rồi. Giờ thì các nhà điều hành mới tính mua bảo hiểm cho cầu thủ, đúng là trễ nải. Tuy nhiên, dẫu sao muộn vẫn còn tốt hơn là nếu không lo sẽ còn nhiều trường hợp Ngọc Hải khác buộc gồng lên kiếm tiền “trả nợ”, lỡ khi phạm lỗi với đối phương. 

            
ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục