Muốn bắt chuột nhưng không có… mèo

3.

1. Với 1 suất xuống hạng, thế là người ta nghĩ ngay đến một kịch bản: chẳng có đội nào phải xuống hạng cả trong bối cảnh mà cứ mỗi năm, V-League “đi vĩnh viễn” một CLB.

Mười bốn đội bóng mà chỉ có 1 suất xuống hạng, một tỷ lệ quá thấp, không theo đúng những tiêu chuẩn thông thường của bóng đá vốn được thiết lập ra để nâng cao tính cạnh tranh. Xét ở tình cảnh của bóng đá Việt Nam nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ % rủi ro càng thấp hơn, không đáng kể.

Thế thì phải hỏi: Thi đấu suốt 9 tháng trời, tốn kém đến 30-40 tỷ đồng, một đội bóng trung bình yếu chẳng thu lượm được gì từ thành tích đến tiền bạc nhưng cũng chẳng xuống hạng, thế thì người ta đá bóng vì ý nghĩa gì nữa chứ?

Câu hỏi kế tiếp: Vì sao những người làm bóng đá tại VFF, VPF biết quá rõ điều này nhưng vẫn chỉ có 1 suất xuống hạng? Và tại sao không phải là 2 hay tệ lắm cũng là thêm 1 trận play-off?

Sau khi thất bại tại V-League, đội bóng HV An Giang cũng đã “vĩnh viễn” biến mất khỏi làng cầu Việt Nam. Ảnh: Dương Thu

2. Lý do có 1 suất xuống hạng thực ra là bắt đầu từ giải hạng Nhất, hiện chỉ có 10 đội. Người ta đang dự định tăng đội dự giải hạng Nhất lên để ngang bằng với V-League nên hạn chế chuyện xuống hạng, thăng hạng.

Nhưng lý do nói trên chỉ mang tính hình thức, cái chính là chẳng ai biết vào cuối mùa sẽ có bao nhiêu đội còn lại ở V-League, bao nhiêu đội đủ khả năng lên V-League cả.

Trên thực tế, việc quy định bao nhiêu suất rớt hạng không quan trọng bằng việc liệu có bao nhiêu đội từ hạng Nhất đủ khả năng thay thế. Hiện nay, người ta đang tư duy theo kiểu cần thêm đội V-League hơn là nâng chất lượng của bóng đá Việt Nam. Người ta không muốn con số 14 CLB V-League bị sụt giảm chứ không phải muốn có sự cạnh tranh giữa hạng Nhất và chuyên nghiệp. Nói tóm lại, người ta không sợ chuyện bắt con chuột mà sợ chẳng có con mèo nào để bắt cả.

Tiêu biểu như trường hợp của Đồng Tháp. Từ chất lượng đội hình đến khả năng tài chính đều khó lòng trụ nổi tại V-League nhưng nếu không khuyến khích Đồng Tháp đá V-League thì họ cũng chẳng có cơ hội đá V-League. Thế nên chi bằng cứ để Đồng Tháp cầm cự một thời gian, lỡ có rớt hạng thì vẫn còn có đội cho giải hạng Nhất mùa sau và 13 CLB còn lại của V-League cũng thoải mái mà cống hiến thứ “đá bóng đẹp rồi thua cũng được”.

3. Đấy là tình cảnh khốn khố của bóng đá Việt Nam, nó khiến chúng ta trở nên “dị hợm”, đứng bên ngoài sự phát triển chung của thế giới dù các nhà quản lý cứ kêu gào sẽ “nâng tầm” đẳng cấp. Một giải bóng đá chỉ có 3-4 đội cạnh tranh vô địch, gần chục đội khác đá không lo xuống hạng, không có tiền thưởng, thử hỏi tại sao cầu thủ không lười nhác trong thi đấu, tại sao các sân vận động không đá buổi trưa nắng để tránh lãng phí tiền điện vào buổi tối, tại sao không có chuyện tiêu cực khi mà các kết quả thi đấu chẳng ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của CLB.

Đừng hỏi tiêu cực vì sao cứ nghiễm nhiên tồn tại ở bóng đá Việt Nam. Bởi vì chính các nhà quản lý đã “dung dưỡng” cho nó bằng một môi trường thi đấu gần như không có tính cạnh tranh, không có động lực. Họ muốn bắt những con chuột nhưng lại không dám chỉ vì trong tay không có con mèo.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục