Mua bán và sa ngã

1. Có khoảng 14 cầu thủ Khánh Hòa sẽ chuyển nhà ra đất cảng. Thêm một dấu chấm nữa trên bản đồ bóng đá Việt Nam bị xóa. Do khó khăn về kinh phí, lãnh đạo CLB Khánh Hòa đã chấp nhận bán suất và gần như trọn đội bóng cho Hải Phòng, đội đã xuống hạng và tiếp tục muốn có một suất tham dự V-league bằng… đôi chân khác.

Người có tiền mua vé của người cần tiền, quan hệ kinh tế thật đơn giản. Nhưng không đơn giản ở chỗ đây là bóng đá. Sức hấp dẫn, giá trị bền vững của môn thể thao vua này phụ thuộc lớn vào yếu tố truyền thống, tức màu cờ sắc áo. Chính vì vậy, hiếm thấy một câu lạc bộ nào trên thế giới dám thay đổi tên hoặc ghép tên đội bóng với tên nhà tài trợ, rồi thay đổi xoành xoạch hàng năm như ở ta, dù họ có tiền, thậm chí rất nhiều tiền.

Vậy nên, khi các cầu thủ Khánh Hòa khăn gói ra đất cảng, V-league lại thêm một lần tự hạ thấp giá trị của mình. Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp, việc chuyển nhượng suất là có trong quy định, nhưng xem ra, việc xuống hạng rồi mua suất như thế này không biết sẽ đưa trình độ bóng đá nước nhà đi về đâu?

2. Đã mười năm từ khi vụt sáng từ lò đào tạo Sông Lam Nghệ An, Văn Quyến đã bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn với 2 tháng lương được bồi thường. Ở thời đỉnh cao, không ai nghĩ Văn Quyến phải chứng kiến khoảnh khắc hôm nay khi không còn có thể phục hồi phong độ dù chỉ ở tuổi 29. Ngày mai anh sẽ về đâu? Có lẽ không có chỗ cho anh ở đội bóng nào khi đội bóng quê hương vốn đã cưu mang anh trong giai đoạn khó khăn nhất cũng đã nói lời chia tay. Cái giá của sai lầm đã khiến cho Quyến đánh mất cả sự nghiệp, trong khi bóng đá Việt Nam cũng mất đi khá nhiều.

Bài học đó đến nay càng nóng bỏng hơn khi giá trị cầu thủ bị đẩy lên quá mức, đồng tiền thao túng các mối quan hệ, và việc trui rèn, học tập kiến thức, văn hóa, nền tảng đạo đức cho cầu thủ gần như bị lãng quên. Niềm đam mê, sự cống hiến của các cầu thủ đã không còn mà gần như được thay thế bởi sự chủ quan khi bất kỳ cầu thủ nào trong chốc lát cũng có thể thành “sao”. Ngôi sao Văn Quyến đã có một kết cục buồn, nhưng đây cũng là cơ hội để các cầu thủ tự răn đe, bảo vệ và hoàn thiện mình.

Hai câu chuyện tuy không gắn với nhau, nhưng có thể khái quát nên thực trạng bóng đá hiện nay. Nó cho thấy sự lỏng lẻo của các mối liên kết và những quy ước, khiến cho càng ngày càng dẫn đến những sai lầm trong điều hành và thực thi. Khi đồng tiền chi phối mà không tuân theo những nguyên tắc của cuộc chơi, yếu tố thực dụng dần thay thế các giá trị truyền thống thì sự sa ngã như Văn Quyến trước đây chắc chắn còn lặp lại.

Đồng thời, một nền bóng đá trong đó có những người cứ muốn tham gia bằng việc đổi chác, mua bán suất thì mãi cũng không thể phát triển lên được. Nếu cứ để thực trạng này tiếp tục thì chúng ta có lỗi với tương lai bóng đá và cả nền thể thao Việt Nam, mà trách nhiệm chính là những ai đang được tin tưởng giao công việc này.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục