Mục tiêu chuyên môn cũng phải có thực lực về kinh phí
“Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo, Tổng cục TDTT kính đề nghị Bộ VH-TT-DL đề nghị nhà nước tăng kinh phí đầu tư cho Tổng cục TDTT...”, đó là một trong những đề xuất mà Tổng cục TDTT kiến nghị tới Bộ VH-TT-DL đưa ra trong báo cáo của nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của ngành đã trình bày trong ngày 5-1 vừa qua tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục TDTT.
Con số đầu tư như thế nào là đủ đối với ngành thể thao, những người làm chuyên môn trực tiếp thuộc các Vụ thể thao chức năng (Tổng cục TDTT) và các lãnh đạo Tổng cục TDTT cùng đơn vị tài chính của ngành thể thao hiểu rõ nhất và chính là nơi sẽ tham vấn cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL ở câu chuyện nguồn lực đầu tư. Trao đổi ngày 29-12 vừa qua với báo giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn cho biết trung bình mỗi năm, nguồn kinh phí ngành thể thao được cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng trên dưới 800 tỉ đồng và việc chi trực tiếp và nhiều nhất là dành cho tiền ăn, tiền công tập luyện của HLV, VĐV các đội tuyển thể thao. “Tiền từ đó được phân bổ ra dành cho đầu tư cơ sở vật chất là không nhiều”, ông Phấn đã cho biết.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt là người đã trực tiếp dự Hội thảo quốc tế về chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao (tháng 11-2022) ngay trước khi Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 diễn ra cũng chỉ ra rằng bài toán về kinh tế thể thao là hướng đi phát triển tốt nhưng phải phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, các nguồn xã hội hóa phải có sự chung sức từ các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao chứ không chỉ một mình Tổng cục TDTT căng mình tìm kiếm.
Tháng 8-2022, Bộ VH-TT-DL đã công khai quyết toán Ngân sách của ngành năm 2020. Ở đó, con số quyết toán chi Ngân sách Nhà nước dành cho Tổng cục TDTT là hơn 615 tỉ đồng (chưa tính tới ngoại tệ) trong đó, không tính các con số dành cho Trường Đại học TDTT TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh do các đơn vị trên là độc lập với Tổng cục TDTT.
Lãnh đạo ngành vẫn luôn mong mỏi giải được bài toán là làm thế nào có thêm nguồn kinh phí để từ đó sẽ thực hiện tốt hơn các chương trình đào tạo huấn luyện VĐV thành tích cao cũng như nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại các Trung tâm HLTTQG bởi HLV, VĐV là tài sản của quốc gia nên họ xứng đáng được hưởng điều đó để mang về những tấm huy chương danh giá nhất.
Chỉ tiêu thành tích cao
Năm 2023, ngành thể thao hướng trọng tâm vào các đấu trường thành tích cao như SEA Games 32 và ASIAD 19. Về thể thao cho mọi người, ngành đặt mục tiêu phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,7% và số gia đình tập luyện TDTT đạt 26,8%. Quan trọng hơn với thành tích cao, chúng ta nhắm kết quả từ 3 tới 5 HCV tại ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm nay cùng việc đứng trong 3 vị trí dẫn đầu SEA Games 32-2023.
Thành công của cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) trước đây là nhờ việc đầu tư chuyên biệt với số tiền lớn đồng thời cử VĐV tập huấn dài hạn tại Mỹ. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG |
“Quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao nhằm đầu tư trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo VĐV, HLV. Tập trung, tập huấn ngay từ đầu năm với các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị SEA Games 32 tại Campuchia và liên thông nhiệm vụ ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic Paris (Pháp) 2024 cũng như các Đại hội thể thao quốc tế trong năm. Đồng thời chuẩn bị tốt cho đội tuyển bóng đá nam, nữ tham dự các sự kiện bóng đá quốc tế....”, một trong những giải pháp thực hiện của ngành thể thao đề ra đối với năm 2023.
Đại diện Bộ VH-TT-DL, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương làm việc tại Hội nghị cho rằng, ngành thể thao ở cấp lãnh đạo cùng các cán bộ làm công tác chuyên môn cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá chính xác để lựa chọn môn thể thao trọng điểm, có khả năng giành huy chương qua đó ngành đầu tư mạnh, đúng người, đúng việc.