Mỏi mòn với điền kinh

Khép lại năm 2015, coi như điền kinh vẫn chưa hoàn thành mục tiêu tìm vé đến Olympic 2016, mặc dù đã trải qua kỳ SEA Games 28 thành công. Phía trước, quỹ thời gian dành cho những nỗ lực cuối cùng của các gương mặt xuất sắc như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Thanh Phúc… không còn quá nhiều.

Khép lại năm 2015, coi như điền kinh vẫn chưa hoàn thành mục tiêu tìm vé đến Olympic 2016, mặc dù đã trải qua kỳ SEA Games 28 thành công. Phía trước, quỹ thời gian dành cho những nỗ lực cuối cùng của các gương mặt xuất sắc như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Thanh Phúc… không còn quá nhiều.

Trong trường hợp LĐĐK thế giới (IAAF) công nhận 2 chuẩn 400m và 400m rào nữ của Nguyễn Thị Huyền giành tại SEA Games 28, thì coi như điền kinh Việt Nam mới gọi là “có vốn liếng” trong cuộc chạy đua đến Rio de Janeiro mùa hè năm sau. Còn nếu căn cứ vào bảng xếp hạng thành tích cho đến thời điểm “chốt sổ” chính thức, Huyền thậm chí sẽ trở thành khán giả vì kém quá xa các đồng nghiệp thế giới. Thành thử, tập huấn và thi đấu để cải thiện hơn nữa thành tích là bài toán mà điền kinh Việt Nam đang nỗ lực giải giúp cho Huyền, đồng thời là cho cả 2 gương mặt đang tập huấn ở Mỹ là anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan.

Những nhà quản lý điền kinh đang hồi hộp, nhất là khi cách tính chuẩn của IAAF ở kỳ Thế vận hội này khác hoàn toàn so với trước. Tức là IAAF “gom” thành 1 chuẩn duy nhất, thay vì tách biệt các chuẩn A và B ra. Nếu theo cách tính cũ, VĐV Nguyễn Thị Huyền thậm chí đã đạt chuẩn A, chẳng việc gì phải nghĩ ngợi đến nguy cơ bị loại và nghiễm nhiên có vé đến Brazil 2016.

Song, tiêu chí đánh giá năng lực theo kiểu mới của IAAF bắt buộc VĐV phải luôn vận động, thi đấu để duy trì hoặc cải thiện thành tích tốt hơn nữa. Có khá nhiều sự kiện diễn ra trong vài tháng tới, trước khi IAAF cùng BTC Olympic 2016 chốt sổ chính thức, nên cơ hội vẫn trải ra trước mắt điền kinh các nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng nên nhớ, càng trôi về đoạn cuối của cuộc đua, tính khắc nghiệt càng lên cao, bởi lẽ cũng có nhiều trường hợp VĐV “thi trượt” và gắng hết sức để tranh lấy vé vớt.

Nguyễn Thị Huyền tại Olympic Bắc Kinh 2015. Ảnh: T.L

Vẫn hy vọng, chuyến tập huấn của Lịch và Lan, cũng như tới đây là Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Thanh Phúc sẽ thắp dậy niềm tin cho điền kinh Việt Nam. Thanh Phúc có giải vô địch đi bộ 20km châu Á 2016 diễn ra tại Nomi (Nhật Bản) vào tháng 3 tới đây. Thậm chí, Phúc còn thêm một sự kiện nữa là giải đi bộ thế giới 2016 tại Trung Quốc trong tháng 4 để hoàn thành giấc mơ lần thứ 2 đoạt vé dự Olympic.

Trong khi đó, đối với Huyền, Lan, Lịch hay nhiều VĐV khác nữa của Việt Nam trong trạng thái chờ là 3 vòng của giải Asian Grand Prix 2016 vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Sân chơi ấy là vừa tầm, đủ giúp các VĐV nỗ lực lấy vé chính thức. VĐV Quách Công Lịch từng suýt chút nữa đạt chuẩn tại đó, thì khả năng anh thành công sau chuyến tập huấn dài ngày ở Mỹ sẽ rất cao.

Vấn đề là, bộ môn điền kinh cũng như LĐĐK quốc gia chuẩn bị kế hoạch gì cho VĐV của mình trong cuộc chạy đua nước rút này, nghiêm túc hay sẽ thả nổi như nhiều lần trước đây. Chọn địa điểm tập huấn nước ngoài cho VĐV hay giải đấu phù hợp để họ tranh tài ở châu Á, châu Âu và thậm chí ngay tại Mỹ đang trở thành thách thức thực sự đối với điền kinh Việt Nam…

VIỆT HÙNG

Tin cùng chuyên mục