Bên cạnh những điểm mạnh không thể phủ nhận, đội tuyển Nhật vẫn cần phải cải thiện khả năng ghi bàn và củng cố hàng phòng ngự.
Tối 4-6 vừa qua, đội tuyển Nhật đã trở thành tia nắng đầu tiên rọi xuống VCK World Cup 2014 sau trận hòa 1-1 với Australia, trước khi 30 tia nắng còn lại sẽ lần lượt xuất hiện từ nay cho đến cuối năm. Đó là điều đã được dự đoán, có chăng chỉ bất ngờ ở chỗ người Nhật đã phải chờ đến phút bù giờ đầu tiên vào cuối trận, cùng cú sút phạt đền thành công của Keisuke Honda, mới đạt được mục tiêu.
Điểm mạnh
Cần phải khen ngợi tinh thần thi đấu của các cầu thủ Nhật trong hoàn cảnh kém may mắn ở bàn thua vào phút 82. Thay vì gục ngã trước tình huống bất ngờ đó, đội tuyển Nhật vẫn kiên trì chiến đấu để rồi cuối cùng được tưởng thưởng bằng một quả phạt đền. Thế nhưng, những Samurai Xanh không chỉ sống bằng tinh thần mà họ còn có đủ phẩm chất cần thiết của một đội bóng để gây sức ép lên bất kỳ đối thủ nào.
Dưới sự dẫn dắt của HLV người Ý Alberto Zaccheroni, đội tuyển Nhật đã vận hành sơ đồ 4-2-3-1 khá tốt với đội trưởng Makoto Hasebe và cựu binh Yasuhito Endo tạo thành cặp tiền vệ trung tâm vững vàng, phía sau bộ ba tiền vệ tấn công đầy tài năng Honda, Shinji Kagawa và Ryoichi Maeda. Chính họ, cùng với tiền đạo Shinji Okazaki, đã tạo nên một lối chơi trực diện tốc độ cao trên nền tảng kỹ thuật cá nhân khá tốt để uy hiếp khung thành đối phương.
Trong đó, Honda và Kagawa được xem là 2 cầu thủ dẫn dắt lối chơi nhưng Endo cũng có khả năng hoàn thành khá tốt nhiệm vụ này ở vị trí sâu hơn. Và tất nhiên cũng phải kể đến sự xông xáo của 2 hậu vệ cánh Atsuto Uchida và Yuto Nagatomo đã mang lại thêm những giải pháp tấn công cho đội tuyển Nhật.
Tuy nhiên, nếu như không tận dụng được vốn kinh nghiệm mà Kagawa, Hasebe, Honda, Okazaki, Uchida, Nagatomo, Yoshida, Kawashima… tích lũy được ở các Giải VĐQG hàng đầu châu Âu thì ông Zaccheroni sẽ không thể có được một đội hình được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử Samurai Xanh như hiện nay.
Điểm yếu
Thế nhưng, cũng như đại đa số các ĐTQG khác, tuyển Nhật cũng có những điểm yếu mà ông Zaccheroni cần phải cải thiện hoặc khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Với 15 bàn thắng sau 7 trận đấu ở giai đoạn 4 của vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Á, đội tuyển Nhật có hiệu suất ghi bàn tốt nhất ở châu lục. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng trận đấu, đặc biệt là trước một đối thủ mạnh như Australia, khả năng dứt điểm của các cầu thủ Nhật vẫn còn hạn chế. Như trong trận đấu diễn ra vào tối 4-6, tuyển Nhật đã liên tục sút bóng về phía khung thành của Australia, từ sút xa, sút gần đến đá phạt, mà cuối cùng chỉ tìm được một bàn thắng trên chấm phạt đền. Điều đó còn được thể hiện rất rõ ở trận thua đầy bất ngờ trên sân của Jordan, đối thủ mà họ đã nghiền nát đến 6-0 ở trận lượt đi. Nếu như không cải thiện được khả năng dứt điểm, Nhật sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước những đối thủ rất mạnh ở Confederations Cup 2013 như Brazil, Ý và Mexico.
Mặt khác, cũng chính những đối thủ này sẽ có đủ khả năng khai thác sự lỏng lẻo nơi hàng phòng ngự của Nhật, nhất là ở cặp trung vệ. Nếu điều đó xảy ra thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên bởi đội tuyển Nhật chỉ giữ sạch lưới được có một lần trong 7 trận đấu gần đây nhất của họ. Do đó, điều quan trọng nhất là cặp trung vệ Yasuyuki Konno - Maya Yoshida cần phải chứng minh rằng họ có đủ khả năng đối phó với những tiền đạo đẳng cấp thế giới tại Confederations Cup 2013, trước khi hướng đến World Cup 2014.
Nam Khang