Đấy là cảm giác chung của bất kỳ ai khi đọc quyết định kỷ luật của VFF về các vấn đề ở vòng tứ kết Cúp Quốc gia. Trong cùng một trận đấu, chính VFF đã phân biệt các loại vi phạm một cách vô nguyên tắc và dẫn đến thái độ bất phục của những người nhận án.
Vì để khán giả tấn công đội khách, đội Sài Gòn FC bị “treo sân” 1 trận đấu và trận này, được nói “khơi khơi” là “trận đấu kế tiếp”. Trong khi đó, lỗi của cầu thủ Lê Bật Hiếu thì bị “treo giò” 2 trận một cách cụ thể là chỉ ở Cúp Quốc gia.
Ai xem xong cũng phải bật câu hỏi: Thế là thế nào?
Tại sao một cầu thủ có hành vi phạm luật thì lại được tiếp tục ra sân thi đấu ở trận kế tiếp tại Super League. Đã là phạm luật, cần phải được răn đe, giáo dục ngay chứ làm gì có chuyện phải sang mùa tới anh ta mới phải chịu án. Còn nếu đã nói, “vi phạm ở đâu thì xử theo ở đó” thì không thể “treo sân” đội Sài Gòn FC ngay được. Họ có thể tổ chức kém tại Cúp Quốc gia nhưng làm tốt hơn ở Super League thì sao?
Phải chăng, chính cái kiểu giải nào, nhận án giải đó mà sân Vinh tái diễn tình trạng bạo lực ngay khi các án phạt tại vòng 3 Super League vẫn còn chưa ráo mực?
o0o
Thật ra, luật lệ là do con người đặt ra. Về lý thuyết, chuyện giải nào xử theo giải đó là đúng bởi một giải đấu có một BTC riêng. Tuy nhiên, chính vì thế mới có chuyện mọi quyết định kỷ luật cao nhất đều thuộc về Ban kỷ luật của VFF, tức là quyền lực trên cả BTC. Nếu những quyết định kỷ luật nói trên do BTC của Cúp Quốc gia thực hiện thì chẳng nói làm gì, đằng này lại do Ban kỷ luật đưa ra một cách không hợp lý. Trường hợp này rất mâu thuẫn.
Vì sự an toàn của giải đấu, rất cần thiết phải “treo sân” Thống Nhất ngay để thể hiện đủ tính chất răn đe. Có như vậy thì những kẻ quậy phá mới cảm nhận được ngay thiệt thòi mà họ phải gánh chịu. Nhưng đã xử như vậy thì với cầu thủ cũng thế. Không thể để cho một người vừa có hành vi xấu ở tuần trước, vừa bị kỷ luật lại có thể ra sân ở trận kế tiếp. Đó là chưa nói, phạt Lê Bật Hiếu kiểu như thế thì chẳng khác gì không phạt khi Thanh Hóa đã bị loại khỏi Cúp Quốc gia.
Ở đây vấn đề không phải là “cái sân” hay là “cá nhân cầu thủ” mà là sự tôn trọng và quyền năng của luật lệ. Không thể cùng một sự việc mà lại có 2 cách xử lý khác nhau. Không thể cảnh cáo các CĐV, CLB mà lại không cảnh cáo ngay cầu thủ. Sự thành công hay thất bại của một trận đấu là tổng hòa của mọi thành viên tham gia trận đấu đó. Tư cách một cầu thủ không thể được đánh giá theo từng giải đấu.
o0o
Qua chuyện này, một lần nữa đã cho thấy hệ thống luật lệ của bóng đá Việt Nam có vấn đề. Như chúng tôi đã từng đề cập, lẽ ra chính các BTC mỗi giải đấu phải là người xử lý vấn đề trước rồi mới chuyển lên cho Ban kỷ luật hoặc khiếu nại của VFF theo đúng cấp chức năng. Và chỉ có Ban kỷ luật của VFF mới có quyền đưa ra quyết định theo kiểu tăng thêm mức phạt để tăng tính răn đe cho người phạm lỗi. Đằng này, chính Ban kỷ luật của VFF lại tự mình đi làm cái việc mà chỉ xem qua cũng đủ thấy thiếu sự chuẩn xác về cách đánh giá!
Hồ Việt