Trường hợp phạt nguội cầu thủ Hoàng Vũ Samson là ví dụ điển hình cho các băn khoăn về công tác trọng tài. Tiền đạo của Thanh Hóa có pha lao vào ham bóng trong vùng cấm, chân giơ rất cao, đạp thẳng vào bụng của thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh đang lao ra ôm gọn bóng.
Tình huống diễn ra một cách độc lập, rất rõ ràng và cũng dễ phán đoán mức độ nặng nhẹ của pha phạm lỗi. Nhưng kể cả khi thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh ôm bụng đau đớn thì trọng tài chính Vũ Phúc Hoan vẫn chỉ rút 1 chiếc thẻ vàng cho một lỗi cần phải nghiêm khắc bằng tấm thẻ đỏ để truất quyền thi đấu.
Hoàng Vũ Samson đá bạo lực thì chỉ cần nhìn qua truyền hình cũng thấy, và chính CLB Thanh Hóa cũng nhìn nhận đúng sự việc khi họ đẩy cầu thủ này xuống đội trẻ đến hết năm 2021. Vấn đề là trọng tài chính đã không đánh giá một cách chuẩn xác. Điều này dấy lên mối lo về bạo lực sân cỏ, vốn đã thực sự báo động từ sau chấn thương của Đỗ Hùng Dũng.
Các trọng tài buộc phải giảm ngay những thái độ quá khích, nóng nẩy của cầu thủ trước khi họ thực hiện một pha bóng dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Nhưng trong cùng một vòng đấu thứ 6, có đến 2 án phạt nguội về lỗi chơi bóng thô bạo, chứng tỏ trọng tài đã không hoàn thành trách nhiệm của mình đối với việc gìn giữ đôi chân cho cầu thủ.
Trên bảng xếp hạng V-League hiện nay, cũng có nghịch lý, khi đội bóng đứng chốt bảng là Thanh Hóa chỉ mới có 8 thẻ vàng. Điều này không hợp lý một chút nào so với mức trung bình 11 thẻ/đội của 13 đội bóng còn lại. Cụ thể hơn, trong trận đấu mà SHB Đà Nẵng thắng 3-1, thì đội thắng lại nhận 5 thẻ vàng trong khi Thanh Hóa lại chỉ có 2. Dù không phải là tuyệt đối nhưng theo lẽ thường các đội bóng đang chơi có thành tích không tốt, đang bị dẫn bàn, thì sẽ chơi thô bạo và dễ nhận thẻ hơn các đối thủ mới phải.
Đánh giá cao quyết định phạt nguội kịp thời của các nhà tổ chức, nhưng vẫn cần tăng thêm nhận thức của các trọng tài, để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồn” trong khi thực tế chính bạo lực sân cỏ đang khiến cho đội tuyển Việt Nam mất dần quân số.