Quốc tế Thiếu nhi 1/6 của 8 năm về trước, “Ươm mầm tương lai” chính thức xuất hiện trên bản đồ bóng đá cộng đồng tại Việt Nam. Đây chính là đứa con “tinh thần” của những “hậu duệ” Cảng Sài Gòn như Lưu Kim Hoàng, Nguyễn Hồng Phẩm, Nguyễn Anh Dũng, Đặng Trần Phúc, Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Bùi Xuân Thủy… trực tiếp đứng ra huấn luyện. Mà người “đỡ đầu” không ai khác là cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang.
Tự hào về lớp bóng đá cộng đồng đầu tiên
Chúng tôi tìm đến lớp “Ươm mầm tương lai” vào một buổi chiều Thứ 7 trời đổ những cơn mưa lắt nhắt. Bước vào sân Tao Đàn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự hào hứng, đam mê của các cầu thủ nhí.
Phải đúng 18 giờ lớp học mới bắt đầu, thế nhưng trước đó gần 45 phút, những cậu bé đang khoác mẫu trang phục sau lưng in chữ Cảng Sài Gòn vẫn “đội mưa” để xuống chơi bóng cùng nhau. Trên một góc khán đài, các phụ huynh ngồi tụm 5, tụm 7 đến sân rất sớm để theo dõi buổi tập của con.
Càng ấn tượng hơn khi mô hình này được Đài truyền hình Việt Nam về quay phóng sự và khi phát sóng đã có sức hút rất mạnh. Kể từ đó, mô hình của lớp bóng đá cộng đồng do cựu cầu thủ đứng lớp nhanh chóng lan rộng khắp toàn quốc.
“Có 2 mục đích của lớp học này. Thứ nhất, chúng tôi muốn hoài niệm hình ảnh của đội Cảng Sài Gòn trong lòng người hâm mộ. Đặc biệt là khán giả TPHCM. Giống như đồng phục Cảng Sài Gòn của các thầy và học viên đang mặt. Thứ 2, vào thời điểm đó, vấn đề lười vận động và nghiệm game ở trẻ em xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi muốn giúp các em tránh đi những thoái quen xấu đó”, ông Phẩm nói.
“Các những thầy chưa được học qua các lớp huấn luyện. Thời điểm đó, tôi là giảng viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) nên cho các thầy đi học. Tôi quan niệm rằng các thầy ít nhất phải có bằng C của AFC để huấn luyện”, ông Phẩm nói thêm.
Nói không với chuyện in tài trợ lên áo đấu
Tâm sự với ông Phẩm, không khó để chúng tôi hình dung “Ươm mầm tương lai” cũng có khó khăn chung với các “lò” bóng đá cộng đồng khác chính là vấn đề sân bãi và kinh phí. Việc hợp tác với Trung tâm TDTT Quận 1, đặc biệt là sân Tao Đàn nên chuyện trích học phí để trả tiền sân, đèn và lương HLV là không thể tránh.
“Ở đây, chúng tôi không có chủ trương vận động tài trợ và quảng cáo. Chỉ có là Ươm mần tương lai Cảng Sài Gòn. Điều này dẫn đến tình trạng là học phí có những tháng thâm hụt. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì”, ông Phẩm nói.
“Thật ra, có những thời điểm số tiền thu vào không đủ bằng chi ra. Nhưng mức chênh lệch cũng không quá lớn. Bên cạnh đó, không ít số em chơi chưa hết mùa hè đã nghỉ học. Nhưng hiện tại, số lượng học viên đã nhiều hơn và đỡ được phần nào kinh phí. So với ban đầu thì chúng tôi đã lấy số đông để bù lại”, ông Phẩm chia sẻ.
“Có một vấn đề ở đây lượng học viên đông, diện tích sân Tao Đàn không đủ nên các thầy huấn luyện bằng cách giúp các em chơi trong phạm vi nhỏ, khéo và kỹ thuật giống như đội Cảng Sài Gòn nhăm xưa”, Ông Phẩm tâm sự.
“Nhưng điều đặc biệt, chúng tôi chú trọng cho các em vấn đề đạo đức như các cầu thủ của đội Cảng Sài Gòn năm nào. Học ở đây, các em không được nhuộm tóc, cắt tóc phản cảm, cấm chửi thề hay gây gỗ với nhau. Chúng tôi luôn muốn giữ hình ảnh và truyền hình ảnh đội bóng đến với các học viên”, ông Phẩm tự hào tiếp lời.
8 năm đi qua nhưng trong thâm tâm của những cựu danh thủ Cảng Sài Gòn này vẫn như thuở ban đầu. Cứ ra sân Tao Đàn vào cuối tuần, nhìn thấy màu áo trắng tinh khôi của học viên đang mặc, được tề tựu để ôn lại chuyện xưa với các đồng đội Cảng Sài Gòn năm xưa là đủ hạnh phúc ở cái tuổi “xế chiều” này lắm rồi!
Thông qua hình ảnh của người thầy trên sân, không chỉ được tập luyện một cách căng cơ nhất, tin rằng các học viên cũng nhận thức được bản thân đã và đang học với những HLV luôn đặt cái tâm và đạo đức lên hàng đầu. Tất cả cũng chỉ muốn các em nhanh trưởng thành trong suy nghĩ và hành động của bản thân.