Bóng đá Việt Nam bước vào năm 2014 với những ước vọng lớn lao và kết thúc bằng những “chuyến đò” bị lỡ. Nhưng không phải ngẫu nhiên những mục tiêu đặt ra vuột khỏi tầm tay, mà phần lớn đều có mối quan hệ nhân quả, đầu tư thế nào thì gặt được những gì tương xứng.
1. Sự trì trệ trong bộ máy điều hành VFF khóa 6 đã khiến cho dư luận mong muốn phải có sự thay đổi lớn ở khóa 7 để có thể nhìn thấy sự lột xác của một nền bóng đá vốn có tiềm năng chẳng kém ai trong khu vực. Tranh luận về “người nhà nước” hay doanh nhân đứng đầu VFF đã nổ ra trong nhiều tháng liền trước đại hội VFF khóa 7. Ai cũng có những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình, mà đa số đều nghĩ rằng một doanh nhân sẽ hợp lý hơn ở vị trí này. Cuối cùng, Bộ VH-TT-DL không cử người ứng cử vào BCH VFF như các nhiệm kỳ trước và doanh nhân Lê Hùng Dũng một mình “về đích” với lời hứa đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ và kiếm tiền nhiều hơn cho VFF. Cũng ngay thời điểm đó, bầu Đệ của CLB Thanh Hóa đã phát biểu mạnh mẽ rằng ông tin người của bộ kiêm nhiệm sẽ giúp bóng đá Việt Nam tốt hơn. Kết thúc năm 2014, người ta chưa thấy dấu ấn gì lớn từ nhiệm kỳ mới hay doanh nhân làm bóng đá. Có lẽ, phải chờ tiếp sang năm 2015…
2. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2014 là đưa tuyển nữ dự World Cup 2015 tại Canada mà mọi người hay gọi là “giấc mơ World Cup”. Quả thật, chưa khi nào trong lịch sử bóng đá Việt Nam, cơ hội đến World Cup lại rõ ràng ngay trước mắt đến vậy. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều hội đủ. VFF cũng tuyên bố đầu tư lớn, không ngại tốn kém để tuyển nữ thực hiện giấc mơ. Nhưng rồi, giấc mơ ấy trở thành ác mộng ngay trên sân nhà. Thua trận và trao tấm vé World Cup cho Thái Lan, bóng đá Việt Nam còn lâu lâu lắm mới có thể nhìn thấy cơ hội như vậy một lần nữa. Hạ màn, HLV Trần Vân Phát ra đi kèm sự dèm pha về khả năng huấn luyện trong khi trước đó ông được VFF thừa nhận và trọng dụng một thời gian dài, được cho là có đóng góp lớn cho bóng đá nữ… Hạ màn, người hâm mộ cũng được biết thêm sự thật về sự đầu tư cho bóng đá nữ, về bố trí các chuyến tập huấn không hợp lý cho đội tuyển… Trách nhiệm, không thấy ai nhận, có chăng chỉ là người ra đi: huấn luyện viên.
3. Như được hồi sinh sau một thời gian chìm trong buồn bã, đội tuyển nam trở thành hiện tượng của sự lột xác cho đến trước trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 với Malaysia trên sân Mỹ Đình. Niềm tin khôi phục, có lúc người hâm mộ như quên hẳn U.19 vốn là một hiện tượng truyền thông trong năm để dành hết sự quan tâm cho đội tuyển. VFF cũng hào hứng không kém, tin rằng đã đi đúng hướng, làm đúng bài. Không ai khác, chính VFF đã hào hứng đến mức cho đặt vé luôn để đội tuyển sang Thái Lan đá chung kết trước khi trận bán kết lượt về diễn ra. Và rồi, trận thua “không đỡ nổi” trước Malaysia đã khiến mọi chuyện gần như đảo ngược. Chủ tịch VFF bực tức, nghi ngờ cầu thủ có tiêu cực và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc; cầu thủ sốc vì thua ít, sốc vì cách hành xử của lãnh đạo VFF nhiều nên một số giã từ đội tuyển, số khác lui về “ở ẩn”; người hâm mộ thì hoang mang không biết thực hư là đâu… Thất bại, chưa có một cuộc tổng kết, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm, chỉ là nghi vấn tiêu cực vẫn treo lơ lửng trên đầu cầu thủ mà thôi.
Bóng đá Việt Nam với nhiệm kỳ VFF khóa 7 tính ra chưa đủ một năm, nhưng xem ra, câu chuyện gieo gì gặt nấy đã dần hiện ra. Nếu nhìn đúng để kịp khắc phục, hy vọng năm 2015 sẽ có được vị ngọt hơn là những giọt đắng vừa qua.
PHƯƠNG NAM