Liệu pháp… đức tin

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Thái Lan, trọng tài đã đến đọc lời thề danh dự tại chùa thiêng Emerald. Đó là đoàn trọng tài dẫn dắt Thái - League do Chủ tịch Hội đồng trọng tài Chinnasen Thongkomol dẫn đầu. Họ đến để tuyên thệ và thề sẽ điều hành các trận đấu một cách vô tư, trong sáng, đúng luật, mong muốn có được một giải đấu thành công.

Ông Chinnasen bày tỏ rằng dù cho điều lệ, quy định và các biện pháp giám sát có đầy đủ đến đâu đi nữa thì vẫn không thể ngăn chặn và triệt tiêu được sự méo mó của tiếng còi, vì vậy chỉ còn cách tìm đến đức tin. Không ràng buộc, không bị giám sát hay xử lý, nhưng rõ ràng lời hứa trước đức tin có giá trị rất lớn khi mà các giá trị khác ngoài xã hội dường như đang chao đảo nhiều.

Xem các trận bóng đá trên thế giới, chúng ta thường xuyên bắt gặp các cầu thủ làm dấu tay khi bước vào sân. Thủ môn nổi tiếng của Pháp hay cầu thủ huyền thoại Roberto Baggio của Italia đều đến chùa khấn lạy trước mỗi trận đấu ở các kỳ World Cup… Có thể mỗi người nhìn đó chỉ là thói quen, nhưng với các cầu thủ ấy, họ đã tự tuyên thệ trước đức tin về những gì mình sẽ thể hiện trên sân cỏ.

Chưa có một thống kế nào về… hiệu quả của những lời khấn nguyện, nhưng chắc chắn nó tác động không nhỏ đến cách chơi, lối ứng xử trên sân cũng như nhận thức về nghề nghiệp của cầu thủ. Nếu không, họ không cần làm vậy để làm gì.

Bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn xuống cấp về chất lượng lẫn đạo đức. Chỉ trong một mùa giải mà có đến hai đội bóng có cầu thủ bị khởi tố bắt giam vì mua bán độ; nhiều sự cố tiếng còi trọng tài bị nghi ngờ “méo mó”; không ít vụ khán giả, huấn luyện viên, cầu thủ, nhân viên sân bóng đe dọa, đuổi đánh trọng tài…

Đó là những gì mà người hâm mộ nhìn thấy được trong khi dư luận cho rằng không hiếm vụ “đi đêm” hay hành xử thiếu văn hóa vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng. Điều lệ từng giải đấu cho đến bộ khung luật lệ của FIFA được áp dụng chung đều khá đầy đủ, vì sao những “mảng tối” trên vẫn xuất hiện ở sân chơi này?

Thực tế một phần do công tác giám sát, chế tài không nghiêm, có sự dung túng trong thời gian dài dẫn đến “lờn thuốc”. Vậy nên, giờ đây để có thể “lập lại trật tự”, ngoài siết quy định và xử lý nghiêm thì cũng cần sự tự giác của những người trong cuộc. Mỗi đội bóng nên dành một khoảng thời gian hợp lý trong công tác huấn luyện hàng ngày, hàng tuần để mọi thành viên “tiếp cận” với văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi trận đấu có thể dành vài giây để tất cả mọi người, kể cả khán giả tuyên thệ thi đấu và thưởng thức một cách chuyên nghiệp và văn minh…

Lương tâm giằng xé bao giờ cũng là một thứ trừng phạt khủng khiếp nhất. Biết đâu đây là liệu pháp hiệu quả góp phần cứu vãn sự xuống cấp đến tận đáy của bóng đá hiện nay.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục