Lên V-League làm gì?

Về lý thuyết, để lên được V-League thì người ta phải đá từ hạng Nhì, đến hạng Nhất rồi mới thăng lên V-League. Có đội ở hạng Nhì hoặc hạng Nhất mấy chục năm… cũng chẳng sao. Thế nhưng, lạ ở chỗ là đa số các đội từng bị giải tán đều từ V-League.

Trường hợp Kiên Giang là một ví dụ. Khi họ có nguy cơ xuống hạng, người ta cho rằng họ “trở về đúng chỗ của mình”, nghĩa là chẳng phải là thất bại gì. Trước khi thăng hạng V-League, chủ yếu Kiên Giang đá ở hạng Nhì.

Tầm của họ, xét về lực cũng như truyền thống, cần ít nhất chục năm đá hạng Nhất để gầy dựng phong trào. Ấy thế mà chỉ vì thiếu tiền, họ giải tán luôn đội bóng. Câu hỏi đặt ra: rốt cục thì Kiên Giang làm bóng đá để làm gì? Xây mới sân Rạch Giá để làm gì? Không lẻ chỉ cần đá V-League là… hết?

Như HV An Giang cũng vậy. So với Cần Thơ, họ còn tốt chán. Thành phố cấp Trung ương kia từ trước đến giờ đá hạng Nhất có sao đâu chứ? So về khả năng chơi V-League, chắc chắn là Cần Thơ có ưu thế hơn HV An Giang. Bản thân HV An Giang cũng 17 năm đá hạng Nhất chứ có ít đâu.

Thế nhưng, chỉ vì không đủ lực đá V-League và thiếu nguồn tài chính, lại tính đến phương án bỏ giải để… xuống hạng Ba. Nghe HLV Nhan Thiện Nhân than thở, cứ tưởng thế giới đổ sụp đến nơi.  Tại sao không ai nghĩ đến chuyện chấp nhận thi đấu hết sức và xuống hạng Nhất như trước đây? Tại sao cứ bị “vỡ mộng” V-League lại chẳng còn muốn làm bóng đá nữa?

TĐCS Đồng Tháp là đội bóng thăng trầm của bóng đá Việt Nam, V-League rồi xuống hạng Nhất. Ảnh: Dương Thu
TĐCS Đồng Tháp là đội bóng thăng trầm của bóng đá Việt Nam, V-League rồi xuống hạng Nhất. Ảnh: Dương Thu

Chúng ta thấy những trường hợp tương tự tại Bình Định, Nam Định, Vĩnh Long… Nhưng chúng ta cũng thấy những trường hợp ngược lại tại Huế, Đồng Tháp, những nơi chấp nhận xuống hạng và bền bỉ làm lại, phấn đầu để giữ bản sắc địa phương.

Những câu chuyện trên cho thấy khoảng trống về mặt quản lý của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là ở khả năng quản lý ở VFF.

Ở Việt Nam, cứ lên V-League thì mặc nhiên được xem là CLB chuyên nghiệp. Cứ như thể lên V-League mới được xem là “người lớn”, dưới đó là “con nít” vậy. Thế nên mới có chuyện người ta sợ rớt hạng như... sợ chết vậy.

Trong lịch sử mười mấy năm của V-League, chúng tôi chỉ thấy có 3 đội khá tỉnh táo trước việc rớt hạng là HN ACB, Đồng Tháp và ĐTLA. Họ xuống, rồi lại lên và có thể xuống nhưng chẳng sao cả. Đấy là một suy nghĩ khá tích cực và chuyên nghiệp bởi xuống hạng cũng là một cách để phát triển mạnh hơn chứ chẳng phải là thứ tai họa nào cả.

Lý thuyết là thế nhưng chính những nhà quản lý bóng đá tạo ra khoảng cách. Việc để giải hạng Nhất chỉ có 8 CLB cho thấy người ta chẳng coi hạng Nhất ra gì. Dù VPF gọi hạng Nhất là V-League 2 nhưng trên thực tế, họ không hề siết các quy định chuyên nghiệp cho giải đấu này.

Thế nên mới có cảm giác xuống hạng Nhất  là cái gì đó rất bèo bọt. Thử hỏi, nếu hạng nhất có từ 10-16 đội, cạnh tranh ghê gớm để được 1-2 suất thăng hạng thì sao? Khi đó, ai nói là hạng Nhất kém cỏi chứ.

Vì người ta từ hạng Nhì lên hạng Nhất quá dễ, từ hạng Nhất lên V-League thậm chí còn dễ hơn nên khi không còn được đá V-League, người ta mới nghĩ như… trời sập. Nếu V-League 2 cùng một tiêu chuẩn như V-League 1 thì chắc chắn, đá hạng Nhất cũng là cả vinh dự.

Khi đó, các CLB hạng Nhất vẫn phải đầu tư cơ sở vật chất, tiền lương, có khán giả riêng của mình và nếu có phải rơi từ V-League xuống, họ vẫn sẽ duy trì đội bóng với lý do chính đáng.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục