Lễ tiễn đưa HLV Phạm Huỳnh Tam Lang về với đất mẹ

7 giờ 30 sáng 6-6, hơn 500 người đã có mặt tại nhà tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn quận 3) để cùng tiễn đưa HLV tài hoa Phạm Huỳnh Tam Lang về với đất mẹ.

Ông Trần Duy Long đại diện BTC Lễ tang đọc điếu văn tiễn đưa HLV Tam Lang, trong đó có đoạn: “Nếu gọi anh Tam Lang là cây đại thụ của gia đình bóng đá Việt Nam cũng không phải là quá lời. Điều khiến các đồng nghiệp cùng trang lứa ngưỡng mộ nhất về anh chính là sự chăm chỉ, cẩn trọng và nghiêm túc khi làm việc, luôn khiêm nhường học hỏi để vươn lên trong nghề. Với các học trò, anh nhân ái, tận tình chỉ bảo. Anh ra đi, bóng đá Việt Nam mất đi một tấm gương mẫu mực về tình yêu nghề, đầy lòng vị tha…”.

Đại diện gia đình có ông Phạm Huỳnh Long Nhi (anh trai của HLV Tam Lang) từ phương xa cũng đã hối hả về Việt Nam dự lễ tang và bày tỏ lời cảm ơn tình cảm của những người đồng đội, bạn bè, học trò và giới mộ điệu khắp nơi dành cho HLV Tam Lang. Ông Long Nhi ngẹn ngào: “Người em tài hoa của tôi đã có một đời hy sinh cho bóng đá nghệ thuật. Tam Lang đã làm rạng danh bóng đá Việt trên cầu trường quốc tế, và thế hệ sau chắc chắn sẽ tiếp nối được điều ước nguyện này của Tam Lang”.

Ông Phạm Huỳnh Long Nhi từ phương xa về tiễn biệt người em tài hoa. Ảnh: Nhật Anh

Ông Phạm Huỳnh Long Nhi từ phương xa về tiễn biệt người em tài hoa. Ảnh: Nhật Anh

Trước khi đưa về nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh), linh cữu HLV Tam Lang được đưa đến trước sân Thống Nhất - nơi có thể coi là mái nhà thứ 2 của ông trong nhiều năm trời huấn luyện đội bóng đá Cảng Sài Gòn - để chào tiễn biệt.

Xin mượn câu nói “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười” và nếu ví cuộc đời như 1 trận đấu thì có lẽ ở đâu đó trong mênh mông bầu trời, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đang mỉm cười vì chính mình đã khép lại một-trận-cầu-cuộc-đời đầy ý nghĩa...

MINH KIỆT


Vĩnh biệt một tài hoa

Anh Tam Lang hơn tôi gần 2 giáp. Thuở thiếu thời, tôi đam mê bóng đá, trận bóng nào có đội Đồng Tiến (tiền thân của Đồng Tháp) và các đội bóng Sài Gòn như: AJS, Bộ tổng tham mưu, tôi đều tìm đến sân xem cho bằng được. Các trận bóng khi có anh Tam Lang tham dự đều đông nghẹt nhiều lớp người, như để đồng cảm và cùng chiêm ngưỡng các tài năng trên các sân quê ngày ấy. Tôi mê những lần cắt bóng thông minh, những cú “ tắc-lin” khéo léo và những quả đánh đầu độc đáo của anh...

Nếu ở giữa sân là một Dương Văn Thà tài hoa, cần mẫn thì một Tư Lê thông minh phía trên luôn làm say đắm lòng người. Với libero Tam Lang, anh còn là một nhạc trưởng đúng nghĩa. Những lần cầm bóng đột phá hỗ trợ tấn công cũng quyết liệt và hiệu quả không kém. Thời ấy, bóng đá Đồng tháp cũng sản sinh nhiều tài danh tuy là lớp sau như: Thẩm, Bạch, Hảo, Chôm... và các cuộc đọ sức đều rất lôi cuốn như những trận thư hùng.

Thời gian qua đi, tôi cũng có dịp vào vai HLV bóng đá và nhiều lần đối đầu với anh trên sân cỏ. Trong tiềm thức, tôi luôn lấy hình mẫu của anh để đào tạo “libero”, để xây dựng đội bóng có lối đá kỹ thuật, đẹp mắt. Một thời gian khá dài, báo chí thường đánh giá Đồng Tháp có lối chơi gần giống Cảng Sài Gòn, tuy chưa “nhuyễn” và đẳng cấp bằng nhưng tôi vẫn mong muốn “copy” được hình ảnh, phong cách anh vào đội bóng của mình.

Hơn 10 năm theo nghiệp HLV, không ít lần đối đầu với anh trên băng ghế chỉ đạo, có thắng, thua nhưng đều chan hòa tình cảm, tôi thầm phục sự thông minh, sắc sảo trong chỉ đạo đấu pháp, điều chỉnh chiến thuật, thay người. Ở anh không có chất “quái” trong chỉ huy, nhưng sự điềm đạm trong phong cách và sự bình tĩnh đến lạnh lùng của Tam Lang đã tạo nên một Cảng Sài Gòn tài năng và đi vào lòng người hâm mộ.

Ôn lại kỷ niệm và nhớ lại những cuộc chạm trán nảy lửa trên sân cỏ giữa Đồng Tháp và Cảng Sài Gòn ở Huế, Nha Trang, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Đồng Tháp và bao nhiêu trận đấu ở làng quê xa xôi miệt Tân Châu, Hồng Ngự, hình ảnh của anh luôn là tâm điểm cho sự trìu mến yêu thương của vạn người hâm mộ.

Thời bóng đá Việt Nam nhiều gam tối, những tính toán thiệt hơn trong ngoài sân cỏ vẫn không kéo được anh. Trong anh toát lên sự trung thực, hiền hòa và là tấm gương sáng của sự tận tụy và trách nhiệm. Năm 2003 có trận đấu Cảng Sài Gòn - Đồng tháp trên sân Thống Nhất, mà nếu thua Cảng Sài Gòn sẽ rớt hạng. Trước đó anh đã tuyên bố kết thúc sự nghiệp của mình để nghỉ ngơi. Sự nghiệt ngã của trận đấu đã đẩy đội bóng Sài thành rời sân chơi chuyên nghiệp, rồi thay đổi luôn tên gọi từ đó.

Sau trận đấu, tôi gặp anh với gương mặt hằn sâu nỗi buồn, vẫn thoáng một nụ cười chia tay nhưng có cảm giác tâm trạng anh rối bời và lần đầu tiên thấy anh thể hiện sự thất vọng. Đó có lẽ là một phần nỗi đau trong cuộc đời đầy vinh quang của Phạm Huỳnh Tam Lang. Sau này gặp lại Anh dù tuổi cao, bệnh tật nhưng trong trò chuyện vẫn mang nhiều trăn trở với bóng đá.

Sinh ly, tử biệt là chuyện thường tình, nhưng sự ra đi của anh là một mất mát rất lớn của bóng đá miền Nam. Chúng tôi, những đàn em, đồng nghiệp của anh luôn mãi nhớ về một Tam Lang hào hoa, tài năng, đức độ trong cuộc đời.

Vĩnh biệt anh, một tài hoa!

Đông đảo người đến tiễn biệt HLV Tam Lang.

Đông đảo người đến tiễn biệt HLV Tam Lang.

Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam, Lê Hùng Dũng thắp nén nhang tiễn biệt biểu tượng của bóng đá Sài Gòn. Ảnh: Dũng Phương

Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam, Lê Hùng Dũng thắp nén nhang tiễn biệt biểu tượng của bóng đá Sài Gòn. Ảnh: Dũng Phương

HLV Tam Lang chào tiễn biệt sân Thống Nhất.

HLV Tam Lang chào tiễn biệt sân Thống Nhất.

Cựu cầu thủ Hồ Văn Lợi khóc tiễn đưa thầy.

Cựu cầu thủ Hồ Văn Lợi khóc tiễn đưa thầy.

Phạm Duy Tiến
(Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Tháp)

>> Một người đi, nỗi nhớ thương ở lại

>> Lồng lộng một cái bóng

>> “Di sản” của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang

>> Vĩnh biệt một tượng đài

Tin cùng chuyên mục