Lấy vàng đãi khách

Ngay từ đầu, ban tổ chức giải cầu lông Vietnam Open 2015 đã cảnh báo rằng khó có hy vọng thành tích cho các tay vợt Việt Nam khi Nguyễn Tiến Minh đã lớn tuổi, chuẩn bị giải nghệ nhưng chưa có người kế thừa.

Ngay từ đầu, ban tổ chức giải cầu lông Vietnam Open 2015 đã cảnh báo rằng khó có hy vọng thành tích cho các tay vợt Việt Nam khi Nguyễn Tiến Minh đã lớn tuổi, chuẩn bị giải nghệ nhưng chưa có người kế thừa.

Vietnam Open là giải đấu ra đời từ năm 1996 nhưng chỉ được 2 mùa thì tạm hoãn đến năm 2006 mới tái khởi động cũng nhờ sự thành công của Nguyễn Tiến Minh trên đấu trường quốc tế. Tính đến nay đã là lần giải thứ 10, Vietnam Open đã là một trong 11 giải thuộc hệ thống Grand Prix của Liên đoàn Cầu lông thế giới, thế nhưng đẳng cấp của các tay vợt Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Như vậy, nếu còn duy trì thì chẳng khác nào lấy “vàng ta đãi khách”. Tương tự là giải Cây vợt vàng ở môn bóng bàn. Sau 29 lần tổ chức, được xem như một trong những giải đấu lâu đời nhất châu Á, nhưng chừng đó thời gian thì bóng bàn Việt Nam cũng chẳng tiến thêm bước nào về trình độ.

Ở môn quần vợt, trước đây Việt Nam từng đăng cai các giải Challenger, tức là giải cấp thấp nhất trong hệ thống thi đấu của quần vợt nhà nghề thế giới. Đây là cơ hội được xem là gần nhất để các tay vợt Việt Nam có thể tiếp xúc với quần vợt đỉnh cao thông qua các suất đặc cách với tư cách chủ nhà. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay giải không được tổ chức do… không còn VĐV chủ nhà trong khi số tiền bỏ ra rất lớn, không dễ tìm nguồn tài trợ. Dù hiện nay Lý Hoàng Nam đã bắt đầu tham gia các giải Challenger để tích điểm, nhưng vẫn khó khôi phục lại giải ở Việt Nam vì một mình Lý Hoàng Nam là không đủ.

Tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của thể thao thế giới luôn rất tốn kém nhưng đó vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng của VĐV Việt Nam. Tuy nhiên, các giải đấu càng chuyên nghiệp thì tiêu chuẩn tham gia càng khó khăn, không phải cứ đăng cai thì có quyền cử VĐV tham dự theo kiểu của những giải quốc tế mời như VTV Cup ở môn bóng chuyền. Mà đã không có VĐV đại diện thì giải đấu dù có chất lượng đến mấy cũng khó thu hút khán giả. Đây là lý do mà dần dần thể thao Việt Nam không còn là nơi tổ chức những giải đấu quốc tế có chất lượng, qua đó cũng phản ánh phần nào trình độ của VĐV Việt Nam trên đấu trường quốc tế và sự sa sút của chiến lược đào tạo, đầu tư cho tài năng thể thao.

YẾN PHƯƠNG  

Tin cùng chuyên mục