Đây sẽ là sự tác hợp đầy thú vị giữa 2 tay vợt đại diện cho 2 phong cách hoàn toàn khác hẳn. Một người thuộc trường phải “cổ điển”, là một tay vợt mẫu mực của làng quần vợt thế giới, là tượng đài, thần tượng, người giữ vững tinh thần “hiệp sĩ – mã thượng” trong môn thể thao quý tộc vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vòng quay của cuộc sống hiện đại, người luôn cố gắng cư xử tiết chế, đậm chất “quý ông” (dù cũng có lúc không nhịn được, phải văng tục và đập vợt – nhưng… đó là chuyện xưa lắm rồi) ở trong lẫn cả ngoài sân đấu; người kia mang hơi thở của “cuộc sống thường nhật” vào một môn chơi xa hoa, luôn sống đúng bản chất, đôi khi cư xử hơi hoang dã trên sân đấu, nhưng khiến khán đài bùng nổ, không với một pha bóng diễu hài gây buồn cười, thì lại là một tình huống bùng nổ cảm xúc, thể hiện sự nhiệt huyết của mình như thể anh là một cầu thủ bóng đá vậy.
Federer chưa bao giờ thích Djokovic. Người ta còn nhớ, khi lần đầu tiên anh chạm trán tay vợt người Serbia – ở đấu trường Davis Cup, Djokovic lúc đó vẫn còn là “trẻ trâu” kém tên tuổi, tay vợt người Thụy Sỉ cực kỳ dị ứng với một đối thủ “chạy nhanh như thỏ, làm bộ bị chấn thương, nhưng sau khi được bác sĩ chăm sóc thì lại bước vào trận đấu, thoắt ẩn – thoắt hiện” (đó là trận Federer thắng Djokovic 6-3, 6-2 và 6-3, nâng tỷ số lên 3-1 cho tuyển Thụy Sĩ khi đấu với tuyển Serbia ở vòng play-off của World Group; sau đó, tuyển Thụy Sĩ đã thắng chung cuộc 4-1). Đến giờ này, có lẽ anh vẫn chưa thể ưa nổi đối thủ người Serbia, vì phong cách trái ngược hoàn toàn của anh này, và cũng vì sự đe dọa mà Novak mang lại cho “đế chế” của Federer. Nhưng Federer đủ khôn ngoan và lịch lãm để thể hiện sự tôn trọng với Novak.
Djokovic thì hoàn toàn tôn trọng Federer ngay từ đầu – mà những ai lăn lộn ở ATP World Tour lại có thể không như thế nhỉ, không tôn trọng Federer khác gì tự “bỉ mặt” bản thân mình? Anh thường xuyên dành những lời lẽ có cánh đối với người sở hữu thứ kỷ lục mà anh rất muốn “phá bỏ” – giữ 20 danh hiệu Grand Slam đình đám. Tất nhiên, khen ngợi Federer thì… “có mà khen cả ngày”. Những điều Djokovic đang làm đều là rất dễ hiểu.
Giờ đây, khi có cơ hội sát cánh cùng nhau, không phải là địch thủ của nhau, lần đầu tiên trong sự nghiệp, Federer và Djokovic sẽ làm gì, sẽ suy nghĩ như thế nào, và sự tôn trọng mà họ dành cho nhau, sau giải đấu này, sẽ ra sao? Điều đó sẽ được thấy sau 3 ngày cuối tuần rực lửa ở sân United Center (Chicago, Mỹ). Federer sẽ sát cánh cùng Djokovic trong màu áo của tuyển Châu Âu, chống lại tuyển Phần còn lại của thế giới. Ngoài 2 tay vợt hàng đầu này, tuyển châu Âu – với thủ quân là Bjorn Borg và đội phó là Thomas Enqvist – còn có những “hảo thủ” đầy tên tuổi như là Alexander Zverev (Đức), Grigor Dimitrov (Bulgaria), David Goffin (Bỉ) và Kyle Edmund (Anh quốc). Cả 4 người này đều là những gương mặt tiêu biểu của “lứa thế hệ kế tiếp”, họ sẽ học hỏi được nhiều điều khi sát cánh cùng Djokovic và Federer.
Trong thành phần tuyển Phần còn lại của thế giới – do John McEnroe làm thủ quân và em trai ông Patrick McEnroe làm đội phó – quân bài quan trọng nhất là Juan Martin del Potro (người mới đây cho biết, anh đã đánh mất sự “trân trọng” và nhân tố sợ hãi đối với Federer mới có thể chơi tốt ở nửa sau trận chung kết US Open 2009 và giành được chiến thắng đáng nhớ) đã rút lui vì chấn thương và Milos Raonic (Canada) được đưa vào thay thế. Các thành viên còn lại của đội bao gồm Kevin Anderson (Nam Phi), “Tòa tháp của nước Mỹ” John Isner, Diego Schwartzman (Argentina), Jack Sock (Mỹ) và Nick Kyrgios (Australia). Thành viên dự bị của đội này là tay vợt người Chile Nicolas Jarry. Ở US Open mới đây, Jarry đã để thua chính “đồng đội” Isner ở vòng 2.