Lại chuyện đá bóng ngày Tết

1. Tại sao không đá xong vòng 2 rồi nghỉ Tết, rồi sau đó bắt đầu vòng 3 sớm hơn, chẳng hạn như mồng 6 Tết? Như thế, cầu thủ về quê ăn Tết sớm vì đá cận Tết thì cũng chẳng mấy ai xem. Trong khi đó, sang Tết đá sớm thì lại trong thời điểm mọi người còn chưa làm việc, có nhu cầu giải trí cao, lại tràn ngập không khí Xuân. Là một môn chơi mang tính phục vụ, bóng đá nên “hy sinh” vì khán giả của mình.

Cái chuyện đá bóng ngày Tết đã từng được dư luận đề cập nhiều lần nhưng các nhà tổ chức cứ bảo thủ đáng ngạc nhiên. Tại sao đến Tết, những người làm công tác nghệ thuật, giải trí phải quần quật ngoài đường để đem đến cho người dân niềm vui trong khi những cầu thủ bóng đá, cũng có công việc tương tự, lại cứ nghỉ khỏe. Rốt cục đá bóng để làm gì?

2. Nhân chuyện lịch thi đấu không phục vụ khán giả ấy, bàn thêm về cách thức tổ chức Cúp Quốc gia và giải hạng Nhất. Với lý do không có nhiều đội thi đấu nên VPF xếp lịch đá 14 vòng của hạng nhất trong vòng 3 tháng ngắn ngủi. Không hiểu tại sao họ lại không cho hạng Nhất đá 2 tuần/lần cùng với giải V-League để cho bầu không khí vào cuối tuần thêm phần sôi động. Dồn hạng Nhất đá trong 3 tháng thì giải đấu này chắc chắn bị chìm lỉm nhanh chóng do tính chất cũng như thời gian thi đấu quá ngắn.

Còn nữa, một khi giải hạng Nhất quá ít vòng đấu, ảnh hưởng đến chất lượng của các đội bóng thì tại sao không để Cúp Quốc gia đá theo 2 lượt đi-về để những đội hạng Nhất có thêm cơ hội thi đấu và mùa bóng nội địa cũng sẽ dài hơn, nhộn nhịp hơn.

Tất nhiên, khi làm vậy thì sẽ tốn thêm chi phí nhưng đây cũng là bài toán “con gà – quả trứng” mà VPF phải giải. Muốn có nhiều tiền tài trợ thì cần có nhiều trận đấu hơn để hiệu quả quảng cáo tăng hơn. Thử hỏi, mỗi đội hạng Nhất đá suốt năm chưa đến 20 trận đấu thì còn ai muốn muốn tài trợ để quảng bá tên tuổi cho mình.

3. Rồi cũng nhân việc tăng số trận đấu của mùa giải, lạm bàn thêm về việc tổ chức các “trận đấu trong trận đấu” theo mô hình đội trẻ đá trước, đội lớn đá sau. Trước đây, từng có giải đấu dành cho đội hình B tại V-League nhưng chỉ tồn tại đúng 1 mùa bóng.

Tuy nhiên, nếu VPF chuyển các trận đấu đội hình B thành lứa tuổi U21 để hình thành một V-League cho U21 thì sẽ hiệu quả hơn. Điều này vừa giúp tăng thời gian thi đấu cho các cầu thủ trẻ, buộc các CLB phải thực sự có ngân sách dành cho tuyến U21 quanh năm và cũng có điều kiện để phát hiện tài năng mới cho chính các đội bóng.

Chứ cứ bảo CLB phải có tuyển trẻ, phải đăng ký cầu thủ U21 mà suốt năm cầu thủ trẻ chỉ đá mấy trận thì làm sao “lớn” nổi.

Nói như vậy để thấy, chỉ xung quanh cách tổ chức thi đấu, cũng có khối chuyện mà nếu quyết tâm người ta có thể đem lại nhiều lợi ích cho bóng đá nội địa.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục