Trải qua 68 năm hình thành và phát triển, thể thao Việt Nam thăng cũng nhiều và trầm không ít. Với người làm nghề, mỗi giai đoạn đi qua của thể thao nước nhà là một kỷ niệm và một bài học mà qua đó phấn đấu phát triển hơn. Trong một lát cắt nhỏ mà chúng tôi đề cập dưới đây, đó là câu chuyện về những người trẻ đại diện cho thể thao Việt Nam hiện đại đang có bước phát triển tốt nhờ tập huấn quốc tế…
“Hiện nay bên cạnh thời gian theo học tại trường Webster (Mỹ), tôi vẫn chú tâm cho việc tập luyện và thi đấu cờ. Những kết quả trong thời gian qua đều rất tốt, hệ số elo vẫn duy trì trên mức 2.700. Theo kế hoạch, tôi sẽ thi đấu giải vô địch đồng đội châu Á và Olympiad với đội tuyển Việt Nam, giải Vô địch cờ nhanh cờ chớp thế giới trong hè này…”, lời chia sẻ trên một tờ báo điện tử mới đây của Lê Quang Liêm đã cho thấy ý thức của một VĐV thể thao chuyên nghiệp như thế nào.
Quang Liêm là một trong số ít VĐV của Việt Nam đang theo học và tập huấn dài hạn ở nước ngoài thời điểm hiện tại. Do đó, kỳ thủ cờ vua nam số 1 Việt Nam đã và đang được lĩnh hội những điều kiện cao nhất để phát triển năng lực. Đồng hành với Quang Liêm, cờ vua còn có Nguyễn Thị Mai Hưng đã ăn-tập dài hạn ở Hungary thời gian qua.
Mới 20 tuổi nhưng Mai Hưng được cờ vua Bắc Giang và Liên đoàn cờ vua Việt Nam nhắm chọn đầu tư dài hạn để đạt các thứ hạng cao nhất làng cờ vua nữ châu lục, quốc tế thời gian tới. Lần gần nhất Mai Hưng xuất hiện là giải cờ vua Budapest Rapid Open 2014 tại Hungary hồi tháng 2 (cô xếp hạng nhì chung cuộc với 6,5 điểm).
Đó là lý do vì sao, Mai Hưng thường vắng mặt ở các giải quốc nội thời gian qua. Lãnh đạo Liên đoàn cờ vua Việt Nam cho biết “VĐV được tạo điều kiện tập huấn quốc tế sẽ nâng tầm trình độ nên chúng tôi cũng mong có nhiều tiền để đưa nhiều trường hợp như Mai Hưng tập huấn như đơn vị Bắc Giang đang thực hiện”.
Karatedo năm nay đặt mục tiêu phải có HCV ở Asian Games 17-2014. Không loại trừ, gương mặt được nhắm trọn là Nguyễn Hoàng Ngân (nội dung kata). Hoàng Ngân là trường hợp duy nhất của đội karatedo được tập huấn dài hạn tại Nhật Bản đã 5 năm trở lại đây. Trưởng bộ môn Vũ Sơn Hà từng phân tích “VĐV như Hoàng Ngân có tố chất thiên bẩm về biểu diễn kata và được lĩnh hội các kỹ thuật karatedo hiện tại ở Nhật Bản nên được thế giới đánh giá là một trong những võ sĩ hàng đầu”.
Trải qua nhiều giai đoạn thi đấu, Ngân từng mang về HCV thế giới, HCV châu Á, HCV SEA Games (mới nhất là SEA Games 27 tại Myanmar). Cô vẫn đang chờ đợi sẽ giành được chiếc HCV đầu tiên ở một kỳ Asian Games (chờ đợi vào lần thứ 17 này tại Incheon - Hàn Quốc.
Đạt hiệu quả nhất cho thể thao nước nhà nhờ quá trình tập huấn lâu dài là Nguyễn Thị Ánh Viên. Bắt đầu đi Mỹ tập huấn từ năm 2012 - khi đó được đánh giá là kế hoạch táo bạo của Hiệp hội thể thao dưới nước và Tổng cục TDTT do chi phí ở Mỹ rất lớn - Ánh Viên lần lượt đã giành được các tấm HCV mà bơi nữ Việt Nam chưa từng…nghĩ tới.
Nếu cho rằng, 3 chiếc HCV mà Ánh Viên giành được tại SEA Games 27 vừa qua là thành tích đạt đỉnh cao phong độ và làm nên lịch sử của cô thì điều ấy cũng chưa hẳn. Người trong giới tin rằng, Viên đạt chuẩn dự Olympic London 2012 (lần đầu bơi nữ Việt Nam có VĐV vượt chuẩn để nhận vé chính thức) rồi đạt HCB tại giải châu Á 2012 ở UAE, đạt chuẩn dự giải VĐTG 2013 mới là thành tích ấn tượng nhất của cô tính tới thời điểm này.
Hình ảnh HLV Đặng Anh Tuấn tỏ ra không hài lòng dù Ánh Viên cán đích đầu tiên tại SEA Games 27 đã cho thấy, nữ VĐV của Việt Nam còn đủ sức đạt thành tích chuyên môn tốt hơn thế. Tất cả là nhờ sự đầu tư có quy trình về chiến lược ở nước ngoài dài hạn.
MINH CHIẾN