Kỹ năng làm thầy

Sự việc HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà huấn luyện VĐV Bùi Văn Đức bằng roi vọt vừa được công bố khiến dư luận đón nhận theo nhiều cách khác nhau.

Sự việc HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà huấn luyện VĐV Bùi Văn Đức bằng roi vọt vừa được công bố khiến dư luận đón nhận theo nhiều cách khác nhau.

Người chê rằng thầy đã sai phương pháp sư phạm, nhưng giới làm nghề cũng có người lại cho rằng đấy là điều bình thường và rất cần thiết trong công tác huấn luyện, bởi lẽ ít nhất một lần trong sự nghiệp của mình, họ cũng từng làm như thế.

Tất nhiên, vì mỗi HLV có phương pháp huấn luyện khác nhau thì không thể đổ đồng nhiều người cũng áp dụng cách cứng nhắc mà HLV Bùi Xuân Hà từng làm để mưu cầu thành công về chuyên môn.

Vốn dĩ, điều khó nhất đối với một người thầy của thể thao chính là vừa giúp VĐV giỏi chuyên môn lại vừa trưởng thành về ý thức và nhân cách. Để đào tạo được một VĐV tài năng và có tâm với nghề, biết tôn trọng đồng nghiệp cũng như môn chơi, dứt khoát người thầy đóng vai trò quan trọng bậc nhất, luôn là như thế. Vì vậy, thi đấu thể thao mới hướng đến một tinh thần cao thượng, trong đó bao hàm cả ý nghĩa chuyên môn lẫn đạo đức của VĐV.

Trong giới huấn luyện, nhiều HLV rất nghiêm khắc như ông Bùi Lương, bà Hồ Thị Từ Tâm, bà Nguyễn Hoàng An, ông Cao Thanh Vân của điền kinh, HLV Lê Thụy Hải, Trần Vũ, Nguyễn Văn Phúc của bóng đá, ông Trần Văn Quýt (xe đạp), bà Nguyễn Thị Nhung (bắn súng)… nhưng đôi khi, như tâm sự của các bậc tiền bối trong nghề, cần phải mềm mỏng với VĐV, đặc biệt là trong sinh hoạt thường nhật.

Thủ thuật hay nói theo cách khác chính là cách áp dụng tâm lý huấn luyện theo từng lứa tuổi của HLV cần phải khéo léo và tùy vào hoàn cảnh. Đối với VĐV trẻ, nghiêm khắc là cần thiết, nhưng HLV phải thể hiện được vai trò của một thần tượng trong mắt học trò, bởi lẽ gia đình VĐV đã giao con cho thầy tức là thừa nhận đấy là người sẽ thay họ rèn luyện, uốn nắn con cái mình nên người.

Làm thầy của thể thao còn khó hơn gấp bội so với làm thầy các cấp tiểu học, THCS hay THPT. Đơn giản vì HLV gần như theo suốt chặng đường phát triển của VĐV, cùng thực hiện giáo án và dạy dỗ cách sống cũng như cách tôn trọng nghề mà họ theo đuổi. Nếu không hiểu tâm lý học trò, nếu quá cứng rắn trên sân tập sẽ khiến VĐV sinh ra nhàm chán và không thể phát huy hết tiềm năng thể thao trong mình. Ngược lại, thành công của HLV chính là đào tạo nên một VĐV vừa đủ khả năng tranh chấp thành tích huy chương trong nước lẫn quốc tế, vừa thể hiện được phong cách sinh hoạt lành mạnh, đạo đức. Đấy là đúc kết của nhiều HLV thâm niên trong làng huấn luyện thể thao Việt Nam.

Trở lại câu chuyện giữa HLV Bùi Xuân Hà và học trò, ở đây có thể do môi trường huấn luyện của thể thao quân đội khắc nghiệt hơn so với nơi khác, thành thử vị HLV này áp dụng chưa linh hoạt những gì mình nhìn thấy và học được từ thời còn là VĐV, khiến sự việc trở nên phức tạp. Cứng rắn rất cần thiết nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên một VĐV tài năng.

Có thể thông cảm trong trường hợp này, nhất là khi HLV phải chịu một sức ép về thành tích lớn trước lãnh đạo bộ môn, đội tuyển và cả địa phương mà mình đang hưởng biên chế. Ép VĐV tập vượt sức, ép cân, nhồi giáo án hay quát tháo, đánh đập… là chuyện xảy ra thường xuyên trong thể thao, không chỉ ở Việt Nam mà ở ngay cả những nền thể thao phát triển khác trên thế giới.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục