Đại loại, dù chúng ta đang chơi tốt đến đâu, ở cấp độ nào, sân cỏ hay sân futsal thì cứ đối đầu với Thái Lan thì “nỗi sợ” ấy lại trỗi dậy, khiến các cầu thủ Việt Nam không thể chơi đúng sức.
Thực ra, gọi “nỗi sợ” là không đúng. Trong thể thao có 2 trường hợp khiến bạn thua trận dù mạnh đến đâu. Thứ nhất, vì đối thủ mạnh hơn hoặc có đẳng cấp cao hơn (futsal rơi vào trường hợp này, tương tự như môn bóng chuyền nữ bởi Thái Lan đang ở đẳng cấp hàng đầu châu Á). Thứ hai, nói theo kiểu bình dân là “kỵ rơ”, tức là cứ gặp là chỉ từ thua đến hòa, rất khó thắng. Đây là lý do mà có nhiều thống kê rất thú vị giữa các đội bóng hàng đầu thế giới khó giải thích vì sao cùng đẳng cấp nhưng đội này vẫn luôn chiếm ưu thế đối đầu so với đội kia. Thậm chí đá hàng chục trận mà thắng không nổi đối thủ.
Bóng đá Việt Nam “dính” cả 2 yếu tố này mỗi khi đối đầu với Thái Lan.
Trình độ bóng đá Thái Lan vẫn cao hơn, đó là sự thật cần thừa nhận. Thế nhưng, nhiều đội bóng Việt Nam thua Thái Lan lại không phải vì sự kém cỏi quá lớn về mặt trình độ. Chính khi khoảng cách giữa 2 nền bóng đá đã được thu hẹp đáng kể thì việc thắng Thái Lan lại trở nên khó khăn hơn, dù hiện nay bản lĩnh thi đấu của cầu thủ Việt Nam cũng tốt hơn, quen dần với những cuộc đối đầu có sự chênh lệch cao.
Nguyên nhân nằm ở khía cạnh kiểm soát tâm lý, điểm yếu muôn thuở của bóng đá Việt Nam. Trước các trận đối đầu với Thái Lan, từ truyền thông, người hâm mộ cho đến cầu thủ đều thể hiện một quyết tâm thắng Thái Lan đến mức tự biến điều đó thành trở ngại tâm lý. Nó khiến chúng ta thua trận không phải vì sợ mà vì quá muốn đánh bại đối thủ. Cái mong muốn ấy lớn đến mức những toan tính về chiến thuật, đấu pháp dễ bị bỏ qua hoặc “đánh mất” khi gặp bất lợi trong quá trình thi đấu. Ví dụ như trong làng cầu Đông Nam Á, các đội như Malaysia hay Singapore vẫn thường xuyên thắng Thái Lan với lối chơi rình rập, phòng ngự chủ động nhưng nếu HLV của Việt Nam mà chọn đấu pháp ấy trước Thái Lan sẽ chịu khá nhiều áp lực từ dư luận vì cho rằng “yếm thế”, buộc phải chơi đôi công bất kể sự thật là trình độ của Thái Lan vẫn cao hơn. Như vậy, đấy không phải là “sợ” mà là vì chúng ta để cho cảm xúc “muốn thắng Thái Lan” kiểm soát quá nhiều trận đấu. Vì điều này mà ngay cả khi U.19 hay U.15, bóng đá nữ của chúng ta thắng Thái Lan cũng đủ biến thành một sự kiện ăn mừng rất lớn.
Câu chuyện về “kiểm soát cảm xúc” cũng đang là trở ngại của U.22 Việt Nam hiện nay trong chiến dịch săn vàng ở SEA Games 29. Đội bóng của HLV Hữu Thắng có thể chơi rất tốt trước các đối thủ mạnh như U.23 Hàn Quốc hay các ngôi sao K-League, nhưng chưa chắc tinh thần đó đã được thể hiện ở trận đá với Thái Lan tại vòng bảng SEA Games hay có thể là trận chung kết nếu 2 đội đi đến trận cuối cùng. Phong cách chơi bóng đẹp mắt hiện nay, cũng là một áp lực về tâm lý. Nó buộc đội bóng của HLV Hữu Thắng đá trận nào cũng phải giống nhau, trong khi với một đội bóng có đẳng cấp, điều quan trọng là phải biết cách thay đổi lối chơi để đạt được mục tiêu sau cùng.