Michael Phelps kết thúc các nội dung thi tại Olympic 2016 với 5 huy chương vàng. Siêu kình ngư 31 tuổi người Mỹ này đã có trong tay bộ sưu tập 23 huy chương Olympic, trong đó có 13 huy chương vàng cá nhân. Sẽ còn lâu lắm thế giới mới có lại một Michael Phelps thứ hai. Ngay cả huấn luyện viên của Phelps cũng phải thốt lên rằng ít nhất 10 thế hệ vận động viên nữa thế giới mới có thể tìm thấy người có tố chất đầy đủ như Phelps.
Ở những môn thể thao khác nhau đều có những vận động viên dường như sinh ra là để thống trị môn đó. Với bóng đá, đã có nhiều ngôi sao mà chỉ cần nhắc đến cái tên là người ta đã biết tường tận về cách chơi không lẫn vào đâu được của cầu thủ ấy. Những môn thể thao mang tính tập thể khác như bóng rổ, bóng chuyền… cũng đều có những ngôi sao vượt trội, có khả năng dẫn dắt toàn đội và ảnh hưởng rất lớn đến thành tích đội bóng. Với những môn cá nhân, yếu tố ngôi sao đặc trưng hơn bởi thành tích đó hoàn toàn từ tài năng thiên bẩm cùng sự luyện tập gian khổ. Sẽ không có một sai lầm nhỏ nào có thể sửa chữa với những môn thể thao cá nhân trong thi đấu, nên thành tích của họ giá trị hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, nói rất khó để thế giới có một Michael Phelps thứ hai là điều hoàn toàn thực tế cho đến rất lâu sau nữa.
Nói về Michael Phelps, ngoài các yếu tố về chỉ số cơ thể sinh ra để trở thành một tài năng bơi lội thì yếu tố luyện tập luôn song hành mà nếu không có nó thì thật khó để một tài năng phát triển. Ngay từ năm 11 tuổi, cậu bé này đã được phát hiện và bắt đầu bước vào quá trình tập luyện để trở thành một vận động viên đỉnh cao. Và kết quả là thế giới có được một siêu kình ngư thống trị ở tất cả các đường đua xanh, ở hầu hết các nội dung thi đấu. Nhắc đến yếu tố tập luyện, người ta đã phải nói về Joseph Schooling của Singapore, người “dám” bơi nhanh hơn Michael Phelps ở nội dung 100m bướm để giành chiếc huy chương vàng Olympic 2016 quý giá. 10 năm trước, Schooling cũng là một cậu bé 11 tuổi, được phát hiện với các tố chất của một kình ngư. Schooling được Singapore tập trung đầu tư gần như tuyệt đối bằng cách đưa đi tập luyện ở các trung tâm nổi tiếng của Mỹ. 10 năm sau, Schooling đã bơi nhanh hơn thần tượng của mình ở nội dung bơi đòi hỏi kỹ thuật rất cao.
Sẽ khó để so sánh giữa vận động viên Việt Nam với Michael Phelps về mặt thể chất và điều kiện phát triển, nhưng có thể đặt cạnh nhau giữa Hoàng Quý Phước, Ánh Viên, Phương Trâm… với Schooling. Cách đây 5 năm, Schooling cũng chỉ mới là một tiềm năng, cùng tập luyện chung trung tâm với Hoàng Quý Phước tại Mỹ. Lúc đó, Quý Phước bơi nhanh hơn Schooling ở nội dung 100m bướm để có huy chương vàng SEA Games 2011. Vậy nhưng chỉ 5 năm sau, hai vận động viên cùng xuất phát điểm, cùng có chỉ số hình thể tương đương, có giai đoạn cùng tập luyện chung, nhưng đã có hai ngã khác nhau. Schooling trở thành người bơi nhanh nhất, Quý Phước không vượt qua được chính mình nên thất bại đáng quên ở Olympic.
Sẽ có nhiều lý giải khác nhau. Trước đây khi thua thì các quan chức thể thao, huấn luyện viên, vận động viên hay đưa ra lý do có cách biệt về xuất phát điểm, về môi trường tập luyện, về đầu tư dài hạn… Nhưng bây giờ không còn có thể đưa ra những lý do đó nữa bởi không còn phù hợp. Những Ánh Viên, Quý Phước, Thạch Kim Tuấn… được đầu tư rất lớn. Những nơi nào tốt nhất thế giới, có sự tập luyện của các vận động viên hàng đầu thì họ đều có mặt. Thế nhưng kết quả thì có phần ngược lại. Khẳng định một nguyên nhân nào đó sẽ là võ đoán, nên rất cần thiết ngành thể thao phải xem lại toàn bộ các vấn đề liên quan, đầy đủ cơ sở để đưa ra kết luận chính xác để có chiến lược đào tạo và phát triển đúng hướng. Nếu không, chúng ta vẫn cứ phải trông chờ vào sự may mắn nhiều hơn.
PHƯƠNG NAM