1. Huyền “Olympic” - nhà vô địch SEA Games 28 - đón nhận thông tin mình rớt khỏi vòng đoạt vé chính thức dự Olympic 2016 với tâm trạng rối bời. Vài tháng trước, cô và người hâm mộ thể thao Việt Nam còn rất hồ hởi sau khi lấy đến 2 chuẩn 400m nữ và 400m rào nữ ngay tại đấu trường khu vực. Nhưng lúc này đây, khi Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) tạm công bố thứ hạng của các VĐV (đều có khả năng dự Olympic), Nguyễn Thị Huyền đối diện với nguy cơ bị loại nếu không cải thiện được thông số thành tích của mình đến trước thời điểm chốt danh sách (ngày 11-7-2016).
Đấy là mối lo không chỉ đối với Huyền, mà với cả điền kinh Việt Nam, bởi lẽ nếu căn cứ theo cách tính của IAAF, chưa VĐV nào của chúng ta đoạt vé chính thức. Tức là quỹ thời gian để đội tuyển điền kinh hoàn thành chỉ tiêu giành từ 1-2 suất dự Olympic trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ngay sau giải VĐQG 2015, giới chức điền kinh Việt Nam khẳng định sẽ bắt tay vào kế hoạch chuẩn bị tập huấn và thi đấu quốc tế cho các VĐV trọng điểm như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Bùi Thị Thu Thảo, Dương Thị Việt Anh… Thậm chí, giới chức đã tính đến phương án thuê chuyên gia nước ngoài để giúp Nguyễn Thị Huyền cải thiện thành tích ở các giải cấp châu lục sẽ đăng ký thi đấu vào đầu năm 2016, cũng chỉ nhằm mục đích giữ 1 trong 2 vé chính thức đến Brazil.
Cho đến hiện tại, 2 gương mặt được cử sang Mỹ tập huấn là Quách Thị Lan và Quách Công Lịch vẫn đang… tập chay, chưa dự bất kỳ sự kiện điền kinh nào trên đất bạn. Việc chọn lựa giải đấu được IAAF tính chuẩn Olympic là điều rất quan trọng và phải phù hợp với trình độ của VĐV, thành thử cũng là cái khó cho điền kinh Việt Nam.
Tuy nhiên, trước nguy cơ tay trắng (hoặc có thể phải dự Olympic bằng các suất đặc cách), nhiều người hy vọng Bộ môn điền kinh Việt Nam và Liên đoàn điền kinh quốc gia sẽ gạt bỏ những khúc mắc bấy lâu để cùng chăm lo cho sự nghiệp chung. Vận động kinh phí bên cạnh nguồn chi của Tổng cục TDTT và địa phương để giúp VĐV có được cơ hội tập huấn và thi đấu quốc tế là nhiệm vụ tuy hơi khó nhưng nếu giới chức đồng lòng thì vẫn làm được.
2. Từ chuyện của điền kinh suy rộng ra thể thao Việt Nam mới thấy cuộc chạy đua đến Brazil không bằng phẳng như nhiều người nghĩ. Môn cầu lông đang lo Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang sẽ văng khỏi tốp đoạt vé chính thức vì phong độ của họ thiếu ổn định ở một số giải gần đây. Ngay cả “nữ hoàng TDDC” Phan Thị Hà Thanh cũng thừa nhận khả năng tranh chấp vé của cô không còn dễ dàng như cách đây 4 năm, một phần vì trình độ của VĐV trên thế giới rất cao, phần nữa vì chấn thương lâu nay đã khiến cô sút giảm đáng kể phong độ.
Nữ hoàng Phan Thị Hà Thanh cũng đang trăn trở với chỉ tiêu Olympic 2016. Ảnh: Quang Thắng
Mối lo còn tìm đến đội tuyển cử tạ vốn được đánh giá là tiên phong trong mục tiêu đến Olympic cũng như tranh đoạt huy chương. Giành 2-3 vé là thách thức thực sự bởi lẽ trong suốt năm qua, gương mặt xuất sắc nhất là Thạch Kim Tuấn chật vật vì chấn thương nên không thi đấu nhiều. Thành ra, các HLV lo ngại thành tích của Tuấn ở giải VĐTG 2015 diễn ra vào tháng 11 sẽ không cao và ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Tức là tính đến hiện tại, thể thao Việt Nam vẫn đang chật vật với mục tiêu Olympic. Ngoại trừ trường hợp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (đã đạt chuẩn A ở các cự ly bơi), xạ thủ Hoàng Xuân Vinh gần như có vé đến Brazil, còn lại tất cả từ đấu kiếm, cầu lông, điền kinh, bóng bàn, cử tạ, TDDC, vật, taekwondo, judo… đều đang trong trạng thái chờ.
Nếu chủ quan với chính cuộc hành trình của mình, thể thao Việt Nam có thể phải nhận trái đắng. Đây là lúc giới chức quản lý cần đánh giá kỹ lại thực trạng nguồn nhân lực trước khi đưa ra chiến lược cụ thể cho từng môn, từng VĐV để tránh rơi vào hoàn cảnh bi đát.
THANH LÂM