1. Điều lạ thứ nhất: Tại sao ông Miura lại giữ nguyên đội hình ra sân ở trận lượt đi, lần đầu tiên kể từ đầu giải? Xét về mọi mặt, trận đấu tại Mỹ Đình khác rất nhiều so với trận lượt đi. Đầu tiên là phía Malaysia có 2 sự trở lại vô cùng quan trọng ở hàng phòng ngự và hàng tiền đạo, tức là họ mạnh hơn. Kế đến, đây là trận đấu cần sự chắc chắn ở khu vực phòng ngự, bắt đầu từ giữa sân trở xuống. Cuối cùng, chúng ta cần một tiền vệ có khả năng chuyền bóng tầm xa tốt như Tấn Tài để đá phản công.
Ông Miura không đổi đội hình trong khi Malaysia thì thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận trận đấu. Nói đúng hơn, họ bê nguyên xi cách chơi đã thực hiện trong 20 phút cuối lượt đi để bắt đầu trận lượt về. Đó là những quả chuyền vượt tuyến, rót thẳng vào trung lộ, phía sau lưng hàng phòng ngự. Đơn giản chỉ vậy nhưng đã khiến hệ thống phòng thủ của Việt Nam rối loạn còn tuyến giữa thì bỗng nhiên dư người nhưng không lui về kịp để hỗ trợ phòng ngự. Những áp lực này đã từng diễn ra ở cuối trận lượt đi nhưng xem ra, HLV Miura lại bị động hoặc có vẻ như ông đã tiếp cận trận đấu sai cách.
Bàn thua thứ 2 đầy khó hiểu của hàng thủ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng
2. Điều lạ thứ hai: Vì sao Việt Nam lại quá vội vàng ở phần đầu trận đấu như thể chúng ta đang bị thua ở lượt đi chứ không phải thắng. Sự thận trọng không có, các cầu thủ tỏ vẻ nôn nóng muốn hạ gục đối phương càng nhanh càng tốt, cự ly đội hình không được giữ đều đặn từ dưới lên trên.
Như đã nói, cách tiếp cận trận đấu của Việt Nam thực sự có vấn đề. 10 phút đầu trận, dù đã bị thua trước 1 bàn nhưng nếu có sự điều chỉnh kịp lúc thì mọi thứ đã khác. Thế nhưng, phải đến phút 38, khi đã thua đến 1-3, ông Miura mới đưa Tấn Tài vào thay Hoàng Thịnh để thông qua kinh nghiệm của Tấn Tài điều tiết cách chơi. Thời điểm đó, mọi thứ đã vuột khỏi tầm kiểm soát của Việt Nam khi Malaysia đã đổi vai, từ kẻ không còn gì trở thành đội bóng giữ mọi lợi thế.
Hãy khoan bàn đến những sai lầm cá nhân, Việt Nam bị vỡ trận quá nhanh, quá sớm là do cách chúng ta tổ chức trận đấu không đúng. Thay vì tập trung chơi pressing, giữ bóng chắc thì ngược lại, trong 20 phút đầu trận chúng ta không lên được bóng và cũng chẳng tăng cường người cho phòng ngự. Có cảm giác trong hiệp 1, đa số cầu thủ Việt Nam đều đứng sai vị trí. Người ta thấy 2 trung vệ liên tục dâng lên quá cao khiến ở 2 bàn thua đầu, người cuối cùng cản phá bóng lại là 2 hậu vệ cánh. Đối phương đã đá nhanh, vậy mà hậu vệ cánh phải chạy vào để bọc lót thì chắc chắn là chậm hơn nhiều. Câu hỏi đặt ra: Vì sao Phước Tứ và Nguyên Mạnh lại dâng lên cao như vậy và tại sao họ không phải là người cuối cùng tham gia vào các pha bóng ngăn cản đối phương. Họ ở đâu trên sân và trong sơ đồ chiến thuật của HLV Miura.
3. Điều lạ cuối cùng: Sự tinh nhạy của Miura đi đâu mất rồi? Ông đã đưa Tấn Tài vào trễ. Ông không đưa một cầu thủ có khả năng đánh đầu như Anh Đức vào sân dù Việt Nam liên tục sử dụng các quả chuyền bổng để tiếp cận nhanh khung thành đối phương. Trong trận đấu này, những sự thay đổi của ông Miura đều không đem lại hiệu quả.
Tất nhiên, với việc để thua đến 1-4 ngay trong hiệp 1, mọi nỗ lực ở hiệp 2 đều khá vô vọng. Trận đấu thực sự đã khép lại sau 45 phút đầu tiên khi chúng ta đã không biết cách điều chỉnh những sai lầm mà chính chúng ta biết rất rõ hơn ai hết, đấy là sự yếu kém trong khả năng chống phản công của hàng phòng ngự.
Những điểm mạnh nhất đã không được thể hiện, các điểm yếu lại phô bày quá dễ dãi, Malaysia đã có một chiến thắng hết sức dễ dàng bởi họ đã được chính Việt Nam trao cho những cơ hội đáng giá nhất mà họ có. Thế nên, thất bại này ngoài một tỷ số khá sốc, chỉ còn lại những điều quá lạ.
Hồ Việt