Theo thông tin mới nhất, danh sách các cầu thủ V.Ninh Bình tham gia tổ chức cá độ và cách thức cá độ, cách thức chung tiền, chia tiền cũng đã được phơi bày ra ánh sáng. Như vậy, xì-căng-đan ở CLB V.Ninh Bình không chỉ còn ở mức độ phán đoán mà đã rõ như ban ngày.
|
Đây được xem là thành công của lực lượng phá án khi phanh phui một vụ án cá độ được đánh giá có tính chất khó khăn hơn so với vụ án tại SEA Games 23 (2005) tại Bacolod, Philippines. Trong lần bán độ của một số tuyển thủ U23 VN lúc đó, cơ quan điều tra phá án nhờ có tuyển thủ tố cáo. Còn trong lần này, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin về người tố giác.
Tuy nhiên, cũng từ một so sánh nói trên rất nhiều người cảm thấy bàng hoàng. Vụ án bán độ của U23 VN cách đây 9 năm vẫn còn là bài học nhãn tiền, chưa hề cũ. Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Lâm cho đến giờ ngoài việc chịu điều tiếng của dư luận vẫn đang lận đận trong nghề nghiệp và cuộc sống.
|
Thế nhưng cầu thủ V.Ninh Bình lại không xem đó là bài học mà vẫn đạp trên vết xe đổ. Nhiều người tự hỏi phải chăng án tù dành cho các tuyển thủ U23 VN ngày nào vẫn chưa đủ nặng để răn đe cho các thế hệ sau. Hay phải chăng tệ nạn bán độ đã ăn quá sâu vào giới quần đùi áo số, khiến các cầu thủ không thể thoát ra được dù không muốn?
Trên thế giới từ châu Âu sang châu Mỹ và cả châu Á, những năm qua đều đã phanh phui ra rất nhiều cá nhân và tổ chức tham gia bán độ, dàn xếp tỷ số. Ở Việt Nam cũng đã có tiền lệ và đến nay lại tiếp tục được khui ra. Từ vụ việc này, nhiều người đang đặt ra nghi vấn cầu thủ V.Ninh Bình chỉ dàn xếp ở AFC Cup thôi hay còn ở các trận đấu V-League – nơi mà đội bóng này còn có thành tích khó hiểu hơn ở một số trận đấu.
Ngoài V.Ninh Bình, cầu thủ các đội bóng khác có nhúng chàm theo cách tương tự hay không? Phá được một vụ án đã khó khăn, nhưng làm sao để diệt trừ tận gốc càng là điều khó khăn hơn gấp bội phần.
MỸ PHẠM