1. Ngay tại buổi họp báo trước trận đấu với Iraq, một lần nữa HLV Miura cùng đội trưởng Công Vinh đã nhắc lại chi tiết “khó có thể thắng Iraq” vốn đang gây xôn xao dư luận gần đây. Và chúng ta nên tôn trọng những lời phát biểu đó.
Đây là sự thật rất đau lòng nhưng phải chấp nhận. Thực tế là bóng đá trẻ Việt Nam không quá tệ nhưng cứ mỗi khi đội tuyển quốc gia thi đấu thất bại, các nhà quản lý không chịu nhìn sai sót của mình, đã đồng thanh hô to: cải tổ, làm bóng đá trẻ… hết sức chung chung.
HLV Miura và Công Vinh trong buổi họp báo cũng thừa nhận khó thắng nổi Iraq.Ảnh: Minh Hoàng
Thực tế là U.23, U.16 và mới nhất là U.19 đều lọt vào VCK châu Á, điều này chứng minh bóng đá trẻ của chúng ta không có vấn đề gì, chi phí của các địa phương hay đoàn thể xã hội bỏ ra đào tạo tài năng vẫn tương đối ổn, những đóng góp của các đơn vị ngoài xã hội ở hệ thống thi đấu bóng đá trẻ vẫn phát huy điểm tích cực, vấn đề nằm ở chỗ khi các cầu thủ lớn lên, thay vì tiến bộ thì họ lại thụt lùi.
Tức là cần phải nhìn vào sự thật: trình độ quản lý yếu kém của các tổ chức đang điều hành bóng đá. Cái thế hệ U.19 của Công Phượng, Tuấn Anh hay U.19 hiện nay hoặc U.16 năm 2000 đều sẽ lụi tàn nếu môi trường bóng đá đỉnh cao của Việt Nam vẫn cứ như hiện nay. Nói cách khác, tài năng trẻ không thiếu nhưng lại bóng đá Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có tài năng lớn khi chúng ta không hề có môi trường để phát triển.
2. Tám năm trước, Công Vinh là người ghi bàn trong chiến thắng 2-0 trước UAE, qua đó đưa Việt Nam trở thành đội Đông Nam Á duy nhất vào tứ kết Asian Cup 2007. Ở thời điểm đó, thậm chí người hâm mộ đã mơ mộng đến một kỳ tích trước Iraq. Thế nhưng, 8 năm sau chính Lê Công Vinh thừa nhận cơ hội thắng Iraq là quá bé nhỏ cho dù đội bạn hiện kém xa so với thời vô địch châu Á. Cá nhân Công Vinh có tiến bộ, cũng đi Đông đi Tây tích lũy biết bao kinh nghiệm thế nhưng cả nền bóng đá Việt Nam thì thụt lùi. Chúng ta cần thêm 10, thêm 100 Lê Công Vinh chứ không phải chỉ có 1 Lê Công Vinh suốt 8 năm qua vẫn “phải chạy tốt”.
HLV Miura và Lê Công Vinh đã chấp nhận việc nếu để thua Iraq, họ sẽ là những người chịu trách nhiệm. Họ không đổ thừa cho bất kỳ điều gì cả bởi ngay từ đầu, họ đã chấp nhận phận “chiếu dưới”. Điều này khác hẳn việc vừa sau trận thua Malaysia ở bán kết AFF Cup 2014, người ta đổ ngay cho tiêu cực. Vừa thua Myanmar ở bán kết SEA Games, lại cho là thiếu may mắn. Không kiếm ra tiền tài trợ cho V-League thì đổ thừa các CLB thi đấu kém chất lượng...
Quá nhiều thứ để lý giải cho các thất bại của bóng đá Việt Nam ở phần đỉnh cao nhưng chẳng thấy bất kỳ ai có trách nhiệm xem thử họ đã làm gì để bóng đá Việt Nam không tiến mà cứ mãi đi lùi.
HỒ VIỆT