Khi tình đã dứt…

Sớm hay muộn thì chủ công Từ Thanh Thuận cũng sẽ chia tay với đội bóng chuyền nam Vĩnh Long, khi mọi ràng buộc giữa đôi bên đã không còn. Có lẽ, trừ tình huống Thanh Thuận suy nghĩ lại để tiếp tục cống hiến cho quê hương mới đảo ngược dự đoán. Còn như lúc này, “cuộc tình” vốn thắm thiết ấy đã tan…

Bóng chuyền Vĩnh Long cố gắng níu kéo, thậm chí nhà quản lý nơi đây còn đưa ra những lý do rằng Thanh Thuận và bản thân họ cần phải… chờ kết luận từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, cho dù xét cả về lý lẫn tình, chủ công này đã trở thành người tự do. Điều cuối cùng mà Thanh Thuận phải thực hiện tức là hoàn tất 45 ngày thủ tục theo Luật Lao động trước khi tìm đến đội bóng mới.

Trong cuộc tranh luận có chiều hướng gay cấn này, bóng chuyền Vĩnh Long đang yếu thế. Thứ nhất, Thanh Thuận đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một vận động viên do chính nơi đây phát hiện và đào tạo thành tài, đồng thời được ví như “công thần” khi giúp Vĩnh Long đoạt HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, giành HCĐ giải vô địch quốc gia 2015… Thứ nhì, với mức thu nhập (theo tâm sự của Thanh Thuận) của một tuyển thủ quốc gia nhưng chưa nhận đến 1,5 triệu đồng/tháng thì anh không thể trang trải nổi cuộc sống của mình.

Sẽ rất đau lòng nếu đem mức thu nhập của vận động viên giỏi nhất, nhì làng bóng chuyền như Thanh Thuận so với một vận động viên dự bị ở những đội bóng đang chơi tại giải vô địch quốc gia (trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng), nhưng điều này lại tồn tại suốt thời gian qua.

Chẳng ai có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho đội bóng nếu như “cái bụng chưa no”, sau mỗi giải đấu chính lại phải tham dự các giải khác để cải thiện thu nhập. Cách đây chưa lâu, chủ công Nguyễn Văn Dữ cũng đã chia tay Vĩnh Long để về đầu quân cho TPHCM cũng chỉ vì nơi đây anh có được mức lương cao và ổn định hơn.

Nếu Thanh Thuận đến với Sanest Khánh Hòa, Maseco TPHCM hay Biên phòng và kể cả chơi cho Becamex Quân đoàn 4, hưởng lợi nhiều nhất là đội tuyển quốc gia. Anh đang là chủ công số 1 của đội tuyển, vừa cùng Hữu Hà, Văn Đức, Văn Dữ giành HCB SEA Games 28. Nếu xét về danh tiếng, rõ ràng bóng chuyền Vĩnh Long cũng là nơi được hưởng lợi, bởi dù sao Thanh Thuận cũng trưởng thành từ nơi đây.

Đến với môi trường mới, giàu tính cạnh tranh, có những đồng đội giỏi nghề khác, Thanh Thuận còn tiến bộ hơn nữa, thay vì một mình gồng gánh trách nhiệm thành tích cho đội bóng Vĩnh Long giống như trước kia. Tất nhiên, bên cạnh Thanh Thuận còn có nhiều vận động viên khác nữa mới có thể tạo nên một Vĩnh Long ngoan cường, máu lửa ở hai mùa giải vừa qua. Song gần như một mình anh phải “cày ải” để vực dậy lối chơi và tinh thần ngay cả khi chấn thương lưng chưa dứt, cái đầu gối chưa hết đau. Sức có mãnh liệt đến mấy đi nữa thì cũng có lúc Thanh Thuận phải kiệt, mà nếu thế thì thiệt thòi cho cá nhân VĐV cũng như cho đội tuyển quốc gia.

Chính ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - thừa nhận chủ công này đã trở thành người tự do sau khi kết thúc hợp đồng và những thỏa thuận khác với bóng chuyền Vĩnh Long. Vấn đề là cách mà nhà quản lý thể thao nơi đây xử lý chưa khéo, không tạo dựng được niềm tin nơi vận động viên nên mới xảy ra cớ sự buồn. Bóng chuyền Vĩnh Long không muốn vuột mất Từ Thanh Thuận, và chính bản thân vận động viên này cũng chưa chắc đã ra đi nếu được trân trọng, được đối xử đàng hoàng.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục