Khi nhà không có điều kiện

1. Khi vừa đoạt chức vô địch World Cup 2014, lãnh đạo bóng đá Đức đã lên tiếng cảm ơn các CLB đã ủng hộ họ trong việc phát triển bóng đá trẻ. Không có sự ủng hộ ấy, Đức đã không có một thế hệ tài năng vượt trội để duy trì một sức mạnh đáng nể từ năm 2006 đến nay và chiến tích tại Brazil chỉ là điều đương nhiên phải xảy ra sau 10 năm thực hiện một chiến lược hoàn chỉnh. Dưới góc nhìn chuyên môn, Đức tại World Cup 2014 có thể chơi nhiều sơ đồ khác nhau, thay đổi thế trận ngay lập tức khi thay người, ấy cũng là nhờ sự dồi dào về mặt con người mà ông Joachim Loew có trong tay.

LĐBĐ Đức cũng chẳng giấu diếm gì chiến lược của họ: Khuyến khích phát triển bóng đá trẻ bằng nhiều cách, nhưng quan trọng nhất đó là khoản đầu tư lên đến 80 triệu USD mỗi năm. Khoản tiền đó không dùng để xây dựng một trung tâm bóng đá trẻ “nuôi gà chọi” mà chủ yếu là hỗ trợ các CLB, cho người đi kiếm các tài năng, chi tiền cho hoạt động quảng bá về dự án. Tóm lại, đó là tiền để “kích thích” chứ không phải trực tiếp đào tạo. Việc nào ra việc đó, LĐBĐ Đức xây dựng chiến lược hà hỗ trợ tài chính. Các CLB buộc phải có tuyến trẻ theo qui định của BTC giải nhà nghề Bundesliga và phải sử dụng cầu thủ trẻ để tránh các ràng buộc về “luật tài chính” tại bóng đá Đức. LĐBĐ Đức không làm thay việc của các CLB nhưng họ hoàn toàn không đứng ngoài.

2. Bóng đá Việt Nam thì ngược lại hoàn toàn. Đội U19 quốc gia do HAGL tài trợ gần như toàn bộ từ con người cho đến tài chính. Các đội như U16, U13 thường lấy “quân” từ lò SLNA hay Viettel. Nếu một trung tâm như Viettel giải tán, VFF lấy người ở đâu cho tuyển?

Theo bầu Đức, những cầu thủ của Học viện HA.GL sẽ không được đá V-League. Hoặc ra nước ngoài, hoặc đi học tiếp và đá cho đội tuyển. Vậy hóa ra, chính CLB lại đang làm thay việc của VFF mất rồi và cách dùng người ấy cũng đâu có phục vụ cho chính HAGL tại V-League.

Rồi như trung tâm Viettel, đào tạo ra nhưng chẳng biết bán cho ai, buộc phải giải thể vì không thể lãng phí tiền vào chuyện không đi đến đâu. Bất kỳ chiến lược phát triển bóng đá trẻ nào cũng đều phải xoay quanh hệ thống thi đấu nội địa, đặc biệt là V-League. Nếu cầu thủ đào tạo ra mà không được sử dụng tại V-League, coi như là hỏng toàn bộ quy trình.

Ở góc độ khác, đội tuyển quốc gia dưới quyền của ông Toshiya Miura chỉ có 3 cầu thủ đến từ nhà vô địch HN T&T trong khi có đến 5 cầu thủ đến từ Bình Dương. Vấn đề là hầu hết các tuyển thủ đó đều không do 2 đội bóng này đào tạo. Đội bóng đang đứng trong tốp 3 là Thanh Hóa chỉ đóng góp 1 thủ môn, vốn xuất thân từ lò Bình Định. Như vậy, hệ thống đào tạo trẻ tại các CLB hàng đầu không ổn một chút nào. Không tự đào tạo mà vẫn cứ thành công thì việc gì phải tốn tiền cho các tuyến U trong khi việc sử dụng 3 cầu thủ U21 tại V-League chỉ là một dạng khuyến khích chứ không bắt buộc.

Trung tâm bóng đá Viettel là lò đào tạo trẻ gần đây nhất bị xóa sổ. Ảnh: Minh Hoàng

Trung tâm bóng đá Viettel là lò đào tạo trẻ gần đây nhất bị xóa sổ. Ảnh: Minh Hoàng

3. VFF chắc chắn biết rõ cần phải đào tạo trẻ, chỉ có điều, họ chỉ mới nói chứ chưa làm. Họ không “dám” ép các CLB phải dùng cầu thủ trẻ bởi chẳng biết phải ép theo kiểu nào? Họ yêu cầu các CLB phải có đủ 3 tuyến trẻ nhưng lại không có điều kiện để tổ chức các giải trẻ quốc gia suốt năm nhằm giúp các CLB tránh lãng phí. Ngay các giải trẻ hiện nay, chủ yếu là do các cơ quan truyền thông đứng ra đảm trách, vai trò của VFF rất mờ nhạt dù đây lại chính là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của họ. Người ta chỉ mới nghe VFF đặt chỉ tiêu kiếm hơn 300 tỷ đồng mỗi năm nhưng chẳng thấy họ nói gì về việc sử dụng lượng tiền lớn ấy ra sao? Không biết tiêu vào đâu thì làm sao có thể kiếm được tiền?

Tóm lại, “một khi nhà chưa có điều kiện”, hãy khoan nói về một cuộc cải tổ cả nền bóng đá theo kiểu của những người đi buôn vịt trời.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục