Khi đội tuyển trở thành “chuột bạch”

Việc nhà tài trợ ra điều kiện với ĐTQG mới đây chỉ là phần không thể tránh khỏi của các đội tuyển dưới quyền điều hành của VFF. Đã từ rất lâu, các đội tuyển bóng đá Việt Nam đã là “vật thí nghiệm” của VFF, chẳng qua bây giờ chỉ là có thêm nhiều thành phần muốn thực hiện điều đó hơn mà thôi.

Khi đội tuyển trở thành “chuột bạch” ảnh 1

Một số người nói bóng gió Việt Nam mất bản sắc nhưng quên rằng chúng ta chưa hề có bản sắc nào mà mất. Ảnh: Minh Hoàng

HLV có phù hợp không, ai quan tâm chứ?

Bỗng nhiên rộ lên luồng dư luận đánh giá HLV Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam và rằng đội tuyển phải chơi thứ bóng đá đẹp nên ông này không thể đáp ứng, thế là đòi sa thải.

Điều buồn cười ở chỗ chẳng có cơ sở nào để nói HLV Miura là mẫu nhà cầm quân của bóng đá tấn công cả. Ông ta chuyên làm việc ở các CLB “nhà nghèo vượt khó”, cố thăng hạng và tranh đấu trụ hạng tại J-League. Ngay từ đầu, ai cũng biết đó là HLV chuyên về giáo trình, huấn luyện theo phương pháp kỷ luật. Rồi khi ông ta thành công tại Asiad 17 với chính những thứ mà ông ta có, thiên hạ vui mừng khi tìm ra một người “phù hợp với bóng đá Việt Nam”.

Nói như vậy để thấy cái phong trào “đá đẹp rồi thua” và đòi sa thải Miura là hơi quá đà. Kể từ khi bắt đầu sử dụng HLV ngoại năm 1995 đến nay, đội tuyển Việt Nam có lối chơi nào được xem là bản sắc đâu. Chúng ta thuê HLV từ 5 châu 4 bể, hết Brazil sang Đức, hết Áo thì đến Bồ. Châu Âu không xong thì về lại châu Á. Chính cái kiểu “Đông Tây y kết hợp” ấy đã khiến cho bóng đá Việt Nam, ngay tầm cấp CLB, hiện cũng chẳng có một lối chơi mang tính đặc trưng nào cả.

Một điều đáng chú ý: Các HLV của đội tuyển luôn ở trong tình trạng: hoặc bị sa thải, hoặc cứ hết hợp đồng là hết việc. Trường hợp đặc biệt còn có chuyện Calisto nghỉ ngang. Lần duy nhất mà VFF “xin” gia hạn hợp đồng đó là với A.Riedl nhưng khi đó, họ làm cái việc quan trọng ấy ngay sau khi đội U.23 vào chung kết SEA Games 22 trong khi ông Riedl đã xin việc tại Palestine từ trước. Tóm lại, chúng ta chưa bao giờ tin tưởng HLV, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ thật sự biết mình cần gì ở HLV trưởng cả.

Đội tuyển còn tệ hơn CLB

B.Bình Dương nổi tiếng là thay HLV như thay áo nhưng tại sao họ vẫn 4 lần vô địch V-League? Đơn giản bởi họ có thay ai đi nữa thì yêu cầu số 1 vẫn là phải giữ được lối chơi. Họ mời ông Lê Thụy Hải 6 lần, thì chia tay 7 lần. Tại sao vậy? Đơn giản chỉ cần “trật đường ray” là thay ngay, để lâu chỉ thêm rối. Còn nữa, bầu Hiển sử dụng Phan Thanh Hùng và Lê Huỳnh Đức tại HN T&T và SHB Đà Nẵng suốt từ năm 2009 đến nay và có 4 chức vô địch V-League. Chọn được người mà mình tin tưởng, tại sao lại phải thay thế?
Chúng ta thấy, ở cấp CLB mà còn như vậy, huống hồ gì tại đội tuyển quốc gia, nơi vô cùng cần thiết sự ổn định của một lối chơi mang tính bản sắc. Đội tuyển là một "CLB đa địa phương", sự xung đột về phong cách thi đấu và tính cách là đặc thù, chính vì thế mới cần có lối chơi riêng, mới chọn HLV phù hợp và sau đó, là chọn cầu thủ tương xứng.

Đội tuyển khác hẳn CLB ở chỗ: Lối chơi của CLB có thể là ý thích của ông chủ nhưng lối chơi của đội tuyển phải dựa trên giải VĐQG và quá trình phát triển của giải đấu này. Vì lẽ đó, lối chơi của CLB có thể thay đổi chứ đội tuyển thì rất ít khi.

HLV Miura không có lỗi gì trong công việc của mình. Chỉ có cách nhìn nhận của nhiều người về ĐTQG  thay đổi. Ấy chẳng qua chỉ là sản phẩm của một nền bóng đá chưa bao giờ chuyên nghiệp mà thôi.

HỒ  VIỆT

Tin cùng chuyên mục