Khi bóng đá “bị” Quốc hội quan tâm

Trăm năm nữa chắc gì đã được...

Tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài các vấn đề về Asiad 2019, bóng đá là chủ đề được chất vấn nhiều. Điều này một lần nữa cho thấy bóng đá đã khiến người dân thất vọng như thế nào.

Thật ra thì ngay với cơ quan quản lý, tức Bộ VH-TT&DL cũng đã có quá nhiều bức xúc, điều được thể hiện qua bài phát biểu như một “bức tâm thư” của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tại đại hội thường niên VFF cách đây không lâu. Bộ chỉ “gởi gắm” với VFF rằng “làm gì thì làm, đừng gây thêm sự thất vọng nữa”.

Chính bài phát biểu đó cũng đã bày tỏ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước với VFF, cùng thời điểm đó, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng không còn là ứng viên Chủ tịch VFF nữa. Dù phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội nhưng rõ ràng, ngay chính Bộ VH-TT&DL cũng đang “bất lực” với tình hình hiện nay của bóng đá Việt Nam.

Cử người sang tham gia quản lý thì bị cho là can thiệp vào công tác liên đoàn. VFF đòi quyền tự chủ theo đúng tính chất xã hội nghề nghiệp thì hầu như chẳng chịu trách nhiệm với bất kỳ ai cả. Dư luận phê phán ư? Họ bỏ ngoài tai. Hai nhiệm kỳ liên tiếp không thành công nhưng đa số lãnh đạo vẫn tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ nữa với lý do “không có họ thì chẳng có ai”.

Thành ra, dù được Quyền Chủ tịch Lê Hùng Dũng mô tả là “ổ kiến lửa” nhưng xem ra, VFF vẫn là chỗ ngồi hấp dẫn đấy chứ.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh (bìa trái) đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quang Thắng

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh (bìa trái) đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quang Thắng

Khi có một lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL biệt phái sang VFF, ngay lập tức sẽ bị kêu ca là “can thiệp”. Nhưng trên thực tế, bóng đá đang dựa hoàn toàn vào nhà nước chứ chưa từng đứng trên đôi chân của mình. CLB thì là của doanh nghiệp nhưng từ con người cho đến cơ sở vật chất đều phải vay mượn (hoặc thuê) của nhà nước.

Thế nhưng, chính các CLB lại quá thiếu trách nhiệm với người dân. Họ thành lập, sáp nhập, đặt tên, giải tán… đều hết sức tự nhiên, bất chấp hậu quả. Người ta đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng chẳng ai chịu nhìn nhận sự tác động của các quyết định ấy đối với xã hội.

Ví dụ như ở làng cầu Sài Gòn. Hồi ông Lê Hùng Dũng còn làm chủ tịch, thay vì tìm cách “cứu” đội TPHCM thì lại đưa về 2 đội bóng để giữ thành tích. Đến khi 2 đội bóng đó giải tán, làng cầu Sài Gòn trở thành vùng trắng. Ông Dũng thì chuẩn bị lên làm Chủ tịch VFF, bộ sậu của ông cũng hết làm việc, nhiệm kỳ kế tiếp thì lại làm futsal, phong trào.

Sự sụp đổ của bóng đá đỉnh cao ai gánh chịu nếu không phải là người hâm mộ, người dân. Sân Thống Nhất vắng lặng mỗi cuối tuần chính là sự lãng phí lớn nhất mà bóng đá để lại.

Chẳng ai trả lời cho những thắc mắc của người hâm mộ cả. Sự sa sút của nền bóng đá bị Quốc hội chất vấn với Bộ trưởng thì người đứng đầu ngành cũng chỉ hứa là sẽ làm việc với VFF. Kết quả của quá trình làm việc ấy ra sao, có lẽ cũng không khó tìm câu trả lời với tình hình của VFF hiện nay.

Hồ Việt

Băn khoăn con số 150 triệu USD tổ chức Asiad tại Việt Nam

(SGGP).- Ngày 18-3, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã có phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật để phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, chủ yếu liên quan tới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể thao; chiến lược phát triển thể dục thể thao, và đặc biệt là việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 18 tại Việt Nam vào năm 2019.

Tại buổi giải trình, nhiều đại biểu đặt câu hỏi xung quanh tính khả thi của đề án trình Chính phủ trong việc đăng cai, tổ chức Asiad lần thứ 18 của Bộ VH-TT-DL, đặc biệt là về con số tổng chi phí 150 triệu USD (khoảng 30.000 tỷ đồng). Đại biểu Phạm Tất Thắng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, băn khoăn rằng từ nay đến năm 2019 thì số tiền sẽ trượt giá là bao nhiêu, liệu 150 triệu USD có đủ không?

Hơn nữa, theo Bộ VH-TT-DL, nguồn kinh phí từ xã hội hóa lên đến 72% nên nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của đề án. Trong khi đó, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chất vấn: “Liệu có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí dự kiến chi cho Asiad 2019 ra làm nhiều gói để dư luận không giật mình về số tiền khủng hay không?”.

Ông Tiến lấy ví dụ Hàn Quốc dự kiến phải chi tới 1,62 tỷ USD cho Asiad Incheon 2014 để chứng minh cho lập luận này. “Nếu tới đây tổ chức Asiad mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm?” - đại biểu Lê Như Tiến hỏi.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết con số 150 triệu USD mới chỉ là dự tính: “Trước khi dự tính chúng tôi cũng đã tính toán hết các vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là các khâu tổ chức thi đấu, khâu khai mạc, bế mạc mà kinh nghiệm chúng ta đã tổ chức thành công”. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chúng ta tổ chức Asiad gắn liền với chiến lược phát triển cở sở hạ tầng của thủ đô Hà Nội.

Như vậy, sân bay, đường sá Hà Nội sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương. “Cơ sở vật chất như thế nếu chúng ta biết tiết kiệm, căn cơ thì có thể sẽ tổ chức thành công Asiad” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói và khẳng định con số 150 triệu USD trong đề án tổ chức Asiad vào năm 2019 là hoàn toàn khả thi, sau khi đã được tách riêng những chi phí phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, địa điểm thi đấu sang ngân sách Trung ương nằm trong chiến lược phát triển chung.

Được mời cùng tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Chúng ta đã có sẵn 80% số lượng công trình phục vụ thi đấu Asiad, nhưng để phục vụ thi đấu được thì cần nâng cấp, sửa chữa và số kinh phí dự kiến cho việc này khoảng 2.600 tỷ đồng.

Còn dự kiến các công trình xây mới thì cần nguồn kinh phí 3.200 tỷ đồng nữa. Với hai phần này, tính cả đầu tư của địa phương thì tính khả thi là cao”. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề như có xây dựng làng vận động viên hay không?

“Đề án của Bộ VH-TT-DL nói rằng đầu tư xây dựng làng vận động viên rồi sau đó bán. Chúng tôi cho rằng với tình hình thị trường bất động sản như hiện nay, đầu tư một dự án 2.000 tỷ đồng tính rủi ro sẽ rất cao” – Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn lo ngại. Thứ hai là dự án sân đua xe đạp lòng chảo với vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã làm việc với nhà đầu tư (KSPO của Hàn Quốc) và nhận được sự cam kết rất nhiệt tình. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng về mặt kỹ thuật là khó khả thi bởi nhà đầu tư bỏ tiền ra với mong muốn thu lợi thông qua đầu tư vào kinh doanh cá cược (với ưu đãi thuế cao nhất) nhưng hiện pháp luật của Việt Nam chưa cho phép ưu đãi như vậy.

HÀ LÊ

Trăm năm nữa chắc gì đã được...

Đấy là lời nhận định của một thành viên trong phiên giải trình của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua. Theo ông này, tại sao không thấy có chiến lược đầu tư cho bóng đá nữ dự World Cup khi bóng đá nam thì “cả trăm năm nữa chưa chắc được”.

Nhận định này cho thấy việc cho rằng đội U19 có thể dự World Cup 2018 chỉ là… chuyện đùa, một mơ ước viển vông và nguy hiểm hơn, nó khiến cái khả năng gần hơn dành cho bóng đá nữ dễ bị lãng quên. Cái khả thi không lo tập trung đầu tư, lại cứ nói về chuyện trăm năm chưa chắc để làm gì.

Có thể nhận định nói trên khá bi quan nhưng chí ít, nó thực tế hơn chuyện chúng ta nói về World Cup 2018 trong thời điểm này. Cứ nhìn cái cảnh đội tuyển nữ của chúng ta hết chạy ngoài đường phố, đến leo cầu thang bộ ở cổng chùa tại Đà Lạt để rèn thể lực mà thấy …tủi thân.

Cũng là chuyện thể lực, lúc các cầu thủ U23 tập trung tại Hà Nội, người ta lại thấy suốt ngày họ quẩn quanh bên những máy tập hiện đại, trong phòng ốc rộng rãi, sáng bóng. Không lẽ nữ tập thể lực khác nam?

Kinh phí đầu tư cho giấc mơ World Cup của bóng đá nữ được biết lên đến 12 tỷ đồng, một số tiền khổng lồ nhưng người ta không hiểu việc lên Đà Lạt hay bay sang Hàn Quốc, Trung Quốc thì làm gì cho hết số tiền đó. Cũng một thời gian tương tự, địa điểm tương tự trước SEA Games 27 cũng chỉ tốn của VFF có 1/3 số tiền nói trên, vậy phần còn lại đầu tư vào cái gì?

Việt Long

Tin cùng chuyên mục