Khai thác triệt để thương hiệu bóng đá Việt

Lần đầu tiên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vạch ra một chiến lược phát triển khá cụ thể cho bóng đá nước nhà, trong đó bao gồm cả những đánh giá về 10 năm thử nghiệm chuyên nghiệp cũng như định hướng, chủ trương, nhiệm vụ lớn cho 10 năm kế tiếp (2011 - 2020). PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF, người trực tiếp chấp bút bản chiến lược này.
Khai thác triệt để thương hiệu bóng đá Việt

Lần đầu tiên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vạch ra một chiến lược phát triển khá cụ thể cho bóng đá nước nhà, trong đó bao gồm cả những đánh giá về 10 năm thử nghiệm chuyên nghiệp cũng như định hướng, chủ trương, nhiệm vụ lớn cho 10 năm kế tiếp (2011 - 2020). PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF, người trực tiếp chấp bút bản chiến lược này.

* PV:
Phải chăng việc cho ra đời Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020 là để phù hợp với Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2010?

* Ông PHẠM NGỌC VIỄN: Đây là tâm huyết của lãnh đạo VFF từ lâu. Chúng tôi đã ấp ủ việc xây dựng một bản kế hoạch quy mô, trên cơ sở những nghiên cứu, đúc kết từ thực trạng bóng đá nước nhà, những đặc điểm cũng như xu thế phát triển về kinh tế, kết hợp với kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và châu lục. Tuy nhiên, sau khi tổng kết 10 năm thử nghiệm xây dựng bóng đá chuyên nghiệp, VFF mới về cơ bản hoàn tất và định hình khung Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020.

* Có thể xem đây là một sự thay đổi lớn?

* Chúng ta nên nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan. Việc chưa có được định hướng phát triển lâu dài và căn cơ là bởi điều kiện trước mắt chưa cho phép. Ví dụ, không thể chỉ ra ngay cái gì là đúng, là chuẩn mực nhất để phát triển bóng đá theo định hướng chuyên nghiệp nếu chúng ta chưa có sự thử nghiệm, rút tỉa ra từ chính trải nghiệm thực tế.

Bóng đá Việt Nam đã gặt hái được không ít điều bổ ích từ sự thử nghiệm ấy, bằng chứng là V-League đang ngày càng hấp dẫn, thu hút sự chú ý của công luận, vừa có ích cho việc nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia, vừa khiến người ta ý thức hơn tới việc đầu tư, xây dựng bóng đá trẻ.

Điểm quan trọng đầu tiên trong chiến lược này chính là chỉ ra những mặt ưu, nhược điểm rõ ràng. Trên cơ sở đó, đưa ra các việc cần làm, các chương trình, mục tiêu cụ thể. Hàng loạt những đề án, chương trình riêng sẽ được thiết lập để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra.

V-League đang ngày càng hấp dẫn sau 10 năm thử nghiệm xây dựng bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh NGUYỄN NHÂN

V-League đang ngày càng hấp dẫn sau 10 năm thử nghiệm xây dựng bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh NGUYỄN NHÂN

* Đọc kỹ các nội dung của bản dự thảo chiến lược, có thể nhận thấy đây không chỉ là phần việc của VFF?

* Đúng như vậy. Chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ một bộ phận bóng đá đỉnh cao. Để làm được điều ấy, dứt khoát phải có sự chung tay của toàn xã hội. Về phía VFF, chúng tôi cũng có những nhiệm vụ của riêng mình, từ quy hoạch mô hình, đường lối tới thực hiện cụ thể.

Trong đó, VFF đặc biệt quan tâm tới việc nâng chất các ĐTQG (theo 5 tuyến). Tuy nhiên, song song với việc giảm dần tỷ trọng đầu tư của Nhà nước, cần khẳng định ngay rằng vai trò của Nhà nước vẫn không hề giảm đi mà còn tăng lên nhiều với việc đầu tư lớn nhưng có trọng điểm để có thể thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng khác được nêu ra trong chiến lược.

* Những nguồn tài chính cơ bản để có thể hiện thực hóa chiến lược là gì?

* Trước hết là nguồn từ ngân sách sự nghiệp ở cả VFF lẫn các CLB (ở địa phương). Thứ đến là nguồn thu từ việc chuyển giao (bán) thương quyền quảng cáo các giải đấu, trận đấu, tên CLB, tên SVĐ, áo đấu, những sản phẩm khác có liên quan. Rồi nguồn thu từ bản quyền truyền hình; nguồn thu từ dự đoán kết quả các trận đấu (xổ số bóng đá); nguồn thu từ hỗ trợ của các tổ chức như FIFA, AFC…

Để khai thác tốt và có được nền tảng tài chính vững mạnh, VFF cũng như các CLB bóng đá đều phải xây dựng được bộ máy tiếp thị, tài trợ thật tốt nhằm khai thác triệt để và hiệu quả hình ảnh và thương hiệu của mình. Dự kiến trong năm 2012, Quỹ hỗ trợ phát triển bóng đá trẻ Việt Nam ra đời cũng sẽ là một công cụ tốt tạo nguồn đặc biệt cho công tác bóng đá trẻ.

Theo kế hoạch, đích thân Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh sẽ theo dõi và đôn đốc VFF hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2011 - 2020. Từ trung tuần tháng 8, bắt đầu xin ý kiến các bộ ngành. Dự kiến vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2011, chính thức trình Chính phủ phê duyệt và ban hành.

HỮU BÌNH thực hiện

Tin cùng chuyên mục