Ai bảo kéo co là dễ?
Kéo co được nhiều người biết đến là môn thể thao dân gian mang tính đồng đội cao, đã tồn tại và phát triển từ lâu đời tại nước ta. Thế nhưng theo thời gian, môn thể thao này đã từng bước phát triển chuyên nghiệp, bài bản từ việc tuyển chọn VĐV đến việc tập luyện hay thi đấu.
Anh Đoàn Công Tuấn (HLV đội tuyển kéo co TPHCM) chia sẻ: “Kéo co thể thao là một bộ môn chính quy, có bài tập và giáo án tập luyện bài bản, kỹ thuật và chiến thuật rõ ràng. Theo xu hướng chung của thế giới, việc tuyển chọn VĐV đào tạo chuyên nghiệp sẽ ưu tiên cho người thuộc nhóm cơ dọc, có chiều cao, theo nguyên lý cánh tay đòn mới tạo lực kéo, trọng lực, sức mạnh trong thi đấu. Trong thời gian 6 năm gần đây, Liên đoàn thế giới đã có ít nhất 3 lần thay đổi kỹ thuật từ tư thế chân, tay, đổ người…Do đó, ban huấn luyện phải cập nhật liên tục cho VĐV để tập luyện theo xu hướng thế giới”.
“Ở kỹ thuật kéo co chuyên nghiệp, cách cầm dây như thế nào cho đồng bộ với cả đội đóng vai trò quan trọng. Nếu không tính người cuối cùng số 8 thì 7 người phía trước hầu như cầm dây phải giống nhau, đồng bộ kỹ thuật rồi theo giáo án của HLV, mất rất nhiều thời gian để tập luyện được. Trong đội hình, mỗi vị trí đứng sẽ có vai trò và đặc điểm riêng, nếu số 1 thường chọn những người cao to, khỏe để đè sợi dây, còn vị trí áp chót số 7 sẽ cần người có thể lực ở đùi và tay rất nhiều”, VĐV Đoàn Công Thuận, người có thâm niên 12 năm gắn bó với kéo co, giải thích.
Hướng đến kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc đầu tiên
Từ một trò chơi truyền thống xuất hiện trong các lễ hội, hội thao…kéo co từng bước phát triển chuyên nghiệp hóa, có hệ thống giải quốc gia rồi hình thành đội tuyển thi đấu quốc tế. Năm 2022, kéo co đánh dấu bước tiến mới khi lần đầu xuất hiện trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9.
Trên cơ sở đó, các đơn vị tỉnh, thành nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, phương án tập luyện cụ thể nhằm hướng đến những tấm huy chương sáng giá. Trong guồng quay tiến đến sự kiện thể thao lớn nhất cả nước, đội tuyển kéo co TPHCM cũng đang gấp rút chuẩn bị những bước cuối cùng trước ngày thi đấu vào tháng 12.
Xòe lòng bàn tay đầy những vết chai do kéo dây thừng lâu ngày để lại, thế nhưng cô bạn Bùi Thị Thanh Huyền lại đầy hào hứng chia sẻ: “Đã đam mê với môn kéo co này thì khó bỏ lắm, ham tập mà quên cả đau! Đây là năm đầu tiên bộ môn được đưa vào thi đấu chính thức tại đại hội toàn quốc, nên cả ban huấn luyện hay bản thân VĐV ai cũng đều hồi hộp và mong đợi cả. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giành thành tích cao cho thể thao TPHCM”.