Không có giải đấu làm nóng để chuẩn bị vì ăn Tết tại nhà
Ở mùa giải năm nay, Daniil Medvedev lại lựa chọn hướng tiếp cận hoàn toàn khác khi chuẩn bị tham dự Australian Open 2024: Không kinh qua một giải đấu làm nóng nào, dù ngắn ngủi. Liệu đó có phải là một rủi ro đối với tay vợt 27 tuổi người Nga?
“Tôi nghĩ, mọi thứ đều có cảm giác như là rủi ro vậy, đặc biệt khi bạn cố gắng thử nó lần đầu tiên”, Medvedev chia sẻ tâm sự của mình ở trong buổi họp báo mới nhất trước thềm Australian Open 2024.
“Tôi không nghĩ mình đã từng có lần nào thi đấu ở Australian Open mà không có giải đấu làm nóng chuẩn bị trước đó. Thông thường, trận đấu đầu tiên luôn không hề dễ dàng. Tôi nhớ là, năm ngoái tôi có trận mở màn với Sonego, anh ấy bị chuột rút ngay sau sau ván 1”.
“Mọi thứ luôn có rủi ro. Nhưng như tôi đã nói, nếu tôi đã 35 tuổi rồi, thì tôi rất muốn đón Tết năm mới ở nhà, vì tôi thật sự chưa bao giờ được hưởng bầu không khí này. Vì thế, tôi quyết định thử đón Tết ở nhà năm nay. Cũng vì vậy, phải quay lại tập khá muộn”.
“Có lẽ, lần đầu tiên sau 4 năm, tôi mới có kỳ nghỉ lễ như vậy. Còn nếu tôi sớm bay đến đây để trải qua giải đấu làm nóng, tôi muốn nói là, như vậy tôi phải có 2 tuần lễ chuẩn bị tiền mùa giải, rồi sau đó cứ thế mà tiến lên, không có thời gian dừng lại nghỉ ngơi”.
“Năm ngoái, sau giải US Open, tôi cảm giác được, cả tâm lý lẫn thể chất của tôi đều không được như mình mong muốn. Tôi quyết định, sẽ là tốt hơn nếu thử ăn Tết đầu năm tại quê nhà”.
Tương lai sẽ tươi sáng hơn
Ở Australian Open 2023, Medvedev không có phong độ tốt nhất. Bằng chứng: Sau 2 năm liên tiếp lọt đến tận trận đấu chung kết, chỉ để thua 2 huyền thoại Novak Djokovic và Rafael Nadal, Medvedev bị loại ngay ở vòng 3 bởi Sebastian Korda.
Giờ đây, khi ngồi lại và nhìn về giải đấu năm ngoái, Medvedev thừa nhận bản thân cũng chẳng học hỏi được gì nhiều, nhưng vẫn hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn ở giải đấu năm trong nay.
“Đầu tiên, tôi cũng chẳng học hỏi được gì nhiều. Tôi nghĩ, điều duy nhất tôi có thể học được đó là tương lai sẽ tươi sáng hơn dù có bất kỳ thứ gì đi chăng nữa. Tôi nhớ, năm ngoái, khi ngồi trong phòng họp báo, cảm giác rất khó khăn sau trận thua”.
“Khi đó tôi nghĩ, thôi bỏ xừ rồi, mình đã văng khỏi tốp 10 thế giới. Nhưng rồi, những gì xảy ra sau đó, ở thì tương lai, có lẽ lại là một trong những phần hay nhất trong sự nghiệp của tôi”.
“Vì thế, phương châm luôn là: Tương lai tươi sáng. Mùa giải năm nay, hy vọng tôi có thể thi đấu tốt hơn ở Australian Open, tiến sâu hơn vào giải và trình diễn thứ quần vợt hay ho và thật ấn tượng”, Medvedev chia sẻ.
Không xem tập mới của Break Point vì serie đó không phải là đời thực
Medvedev vừa mới “may mắn” hiện diện ở trong tập phim mới của Loạt phim tài liệu về quần vợt chuyên nghiệp mang tên “Break Point”, Netflix phát hành, từng được GĐĐH Andrea Gaudenzi miêu tả là: “Nội dung không có kết cấu như chúng tôi mong muốn”.
Trong tập phim mới nhất, có nhiều phân cảnh “cắt cúp” những hành động - phản ứng rất là xấu xí của Medvedev trên sân đấu, như cách anh cãi lại trọng tài, đạp thẳng vào ống kính máy quay, mà không có mối quan hệ nhân quả trước và cả sau đó.
Những hình ảnh, phân đoạn biến Medvedev thành “kẻ phản diện thực thụ” gây ra những phản ứng trái chiều của người hâm mộ, cả những tay vợt đồng nghiệp của anh. Nhưng bản thân Medvedev nghĩ sao?
“Tôi có thể nói gì đây? Tôi cảm thấy mình cần phải thay đổi điều gì đó. Khi tôi nói “muốn thay đổi thứ gì đó”, nghĩa là tôi muốn quan tâm những thứ quan trọng với bản thân mình và ít quan tâm đến những thứ khác như ngồi nghịch điện thoại, chơi Play Station”.
“Tôi cũng suy nghĩ nhiều hơn về phong cách quần vợt của mình, về con người tôi muốn trở thành. Trên sân đấu cũng vậy. Tôi muốn có thay đổi, chặn đứng những ồn ào từ bên ngoài và tập trung vào bản thân mình nhiều hơn”.
“Tôi không xem tập phim đó, nhưng thấy ở đây đó một đôi chút. Tôi vẫn còn tài khoản trên mạng xã hội mà. Tôi không muốn xem nó, vì xem nó xong, có thể tôi sẽ cảm thấy thất vọng và nản lòng”, Medvedev cười và nói.
“Nhưng tôi cũng không có gì nhiều để nói. Netflix là như vậy, là lý do tại sao người ta thích xem, vì phim ảnh luôn phóng đại mọi thứ, có thể là nóng hoặc lạnh, không có trung dung... Mọi người xung quanh tôi biết tôi như thế nào”.
“Họ biết tôi trong phòng thay đồ ra sao, ngoài sân đấu ra sao. Rồi mọi thứ liệu có phức tạp đến mức nào. Về phần mình, tôi cảm thấy mình có mối quan hệ tốt với phần lớn mọi người trong ATP Tour. Tôi không có gì bổ sung vì serie ấy không phải đời thực”.
Nhưng vẫn bị đám đông ở Úc gọi là “Kẻ phản diện”
“Kẻ phản diện”, “Nhân vật phản diện” là từ mà một số người dùng để gọi, miêu tả về tay vợt người Nga từ khá lâu, không chỉ vừa qua mới xuất hiện trên Netflix. Đám đông khán giả tại giải Úc mở rộng từng la ó Medvedev như vậy.
“Đôi khi tôi có thể cảm thấy, theo một cách nào đó thì như vậy là không công bằng. Cuộc sống là không công bằng. Nhưng đôi khi, tôi đáng bị như vậy, vì những hành động khác nhau mà tôi đã từng làm”.
“Tôi vẫn muốn thay đổi, muốn trưởng thành. Tôi cảm thấy mình đã có những tiến bộ lớn lao thời gian qua. Hy vọng rằng người ta có thể thấy điều đó trên sân đấu, vì đó mới là những thách thức khó khăn nhất. Khi andrenaline ở mức cao, kiểm soát rất khó khăn”.
“Có lẽ, đây không phải là Grand Slam hay nhất của tôi, nhưng ngay cả khi điều gì đó xảy ra, tôi vẫn muốn sống thật với bản thân, cố gắng bớt làm điều ngu ngốc vốn không giúp ích tôi trong tư cách cả một tay vợt lẫn một con người”.
“Hy vọng, tôi có thể sớm đạt được điều đó trong mùa giải năm nay, và chúng ta sẽ được nhìn thấy một Medvedev hoàn toàn mới. Vẫn còn quá sớm để nói gì. Chúng ta sẽ chờ xem đến cuối mùa vậy”.