Các siêu sao của bóng đá thế giới đều đã rơi rụng khỏi bầu trời World Cup. Chỉ còn lại một ngôi sao sắp được thừa nhận là siêu sao. Phải, Sneijder chắc chắn sẽ là một siêu sao vào đêm 11-7, nếu anh bổ sung được chiếc Cúp Vàng chói lọi vào bộ sưu tập đã có chức vô địch Serie A-Coppa Italia-Champions League ở mùa bóng vừa rồi.
Nhìn Sneijder thi đấu, có lẽ người ta không thích bằng Kaka, Cristiano Ronaldo hay Messi. Vậy cũng đúng. Sneijder làm gì có sức hút bằng các vũ điệu tango trên sân cỏ của Messi. Anh cũng không đáng mến bằng lối chơi của Kaka và cũng chẳng có kiểu cách như Ronaldo để nổi bật hẳn trên sân bóng. Sneijder chỉ là... Sneijder, thậm chí còn ít được giới mộ điệu để ý bằng người đồng đội Robben.
Tuy nhiên, Sneijder lại có vẻ mặt và ánh mắt tinh quái của một người quản lý hệ thống, có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm về tất cả những gì đang diễn ra chung quanh, có tư duy thấu đáo để khó khăn đến đâu thì giải quyết rốt ráo đến đó. Phong cách ấy rõ ràng rất hợp với lối chơi và mục tiêu của đội hình Hà Lan ở World Cup này. Mục tiêu của họ dĩ nhiên là chức vô địch. Chiến lược của họ hình như là chỉ muốn thắng đối phương bằng một kết quả vừa đủ, dù ai cũng biết sự “vừa đủ” là một khái niệm đầy mạo hiểm trong những đấu trường lớn như thế này.
Bất kể giới mộ điệu không vừa lòng, thậm chí có lúc còn nổi cơn điên do Hà Lan không chịu “thắng cho trót” (như trận tứ kết với Brazil) hoặc dẫn 2 bàn thì “nhả” lại 1 bàn (như trận thắng Slovakia và mới đây nhất là trận Uruguay), Sneijder và đồng đội vẫn cứ... nhơn nhơn. Điều đó chỉ nói lên một thứ duy nhất: Thực chất, Hà Lan mạnh hơn hiện nay rất nhiều? Có lẽ thế. Hà Lan chẳng phải là không có khả năng chơi bốc lên để cuốn đối phương vào những cơn lốc xoáy, nhưng họ thích làm... gió hơn - thỉnh thoảng mới làm một đợt.
Họ làm cái gì cũng có vẻ như tính toán chừng mực, phân tích tình huống kỹ lưỡng, dò tìm các điểm yếu, khai thác chúng và vần đối thủ cho đến khi suy sụp. “Kẻ chủ mưu” của tất cả những điều đó dĩ nhiên là Sneijder, và nếu nói về sự “mưu mô” thì rõ ràng chẳng một siêu sao nào ở World Cup 2010 này so được với Sneijder.
Phải chăng một phần cũng là do Sneijder đã được Jose Mourinho đào luyện ở Inter trong một mùa bóng vừa qua? Cũng có thể. Lối thi đấu của anh ở đội tuyển Hà Lan hiện nay rất giống với ở Inter, nơi Sneijder đã giành mọi danh hiệu khả dĩ có được trong mùa bóng 2009-2010. Anh nói: “Thật đặc biệt. Tôi đã hiểu cảm giác đá chung kết là gì nhờ có Inter, và giờ đây chúng tôi lại có 5 ngày để chuẩn bị cho một trận chung kết lớn nhất. Những thời khắc như thế chẳng xảy ra thường xuyên, nên tôi đã nói với đồng đội là hãy tận hưởng nó và dồn mọi sức lực cho nó”.
Đến đây, anh nhìn lại một chút trận bán kết vừa qua với Uruguay, nơi Sneijder đã có bàn thắng thứ 5 ở kỳ World Cup này: “Đó là một trận cầu khó khăn, một phần là do chúng tôi tự gây ra khó khăn cho chính mình (ý nói bàn gỡ 2-3 của đối thủ). Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất là Hà Lan đã thắng”. Đó là trận thắng thứ 6 liên tiếp của Sneijder ở World Cup 2010. Và cũng xin nhắc lại rằng nếu anh và đồng đội có tiếp trận thắng thứ 7 vào đêm 11-6 này, Sneijder sẽ có chiếc Cúp Vàng chói lọi để bổ sung cho mùa bóng thành công có một không hai của anh.
Chức vô địch thế giới là danh hiệu của cả một đời người, là giải thưởng lớn mà rất nhiều và rất nhiều cầu thủ nằm mơ cũng không được. Riêng với Sneijder, nếu giải thưởng lớn ấy thuộc về anh, rất có thể nó còn mang theo cả những... giải thưởng phụ như cầu thủ xuất sắc nhất World Cup và vua phá lưới World Cup.
Viễn ảnh ấy thật hào hứng. Chỉ có duy nhất một người không muốn tỏ ra hào hứng, đó là HLV Bert van Marwijk của Hà Lan: “Sneijder có một vai trò rất quan trọng trong đội tuyển Hà Lan. Mặc dù vậy, cũng rất quan trọng khi mọi thành viên của đội bóng cũng đều chơi tốt”...
Hưng Nguyên