Mladenovic – bạn gái của “Hoàng tử sân đất nện” Dominic Thiem – đã có khởi đầu đầy ngoạn mục khi cứu 2 set-point trước khi đả bại tay vợt người Trung Quốc sau 2 ván đấu của trận đấu dài 1 giờ 34 phút đồng hồ. Mladenovic từng lọt đến bán kết của Indian Wells hồi năm ngoái, và giờ đây, một thành tích tệ hơn như thế là một thất bại lớn đối với cô.
“Đó là một trận đấu của mưu mẹo và sự khéo léo”, Mladenovic nói về chiến thắng trước Zheng, “Hoàn toàn không dễ dàng, tôi nghĩ rằng điều kiện thi đấu ở đây phù hợp với lối chơi của cô ấy. Nhưng thật ra, chúng cũng hợp với tôi nữa. Tuy nhiên, bước vào trận đấu này, tôi đã để ra chiến thuật là phải chơi thật máu lửa và quyết liệt ngay từ điểm số đầu tiên cho đến điểm số cuối cùng. Tôi cũng cố gắng kết liễu thật nhanh những điểm số lên lưới, bởi vì cô ấy di chuyển rất tốt. Cô ấy luôn buộc bạn phải đánh thêm vài đường bóng, vì thế, nếu bạn không chịu khó lên lưới, đó có thể sẽ lại là những pha bóng giằng co kéo dài… mãi mãi”.
Gần đây, Mladenovic đã nỗ lực tập luyện rất nhiều để cải thiện các cú giao bóng của mình. Và việc cô “mài giũa bén nhọn” thứ vũ khí nguy hiểm này của mình đã giúp cô liên tục giành được vinh quang ở nội dung đội nữ tại những giải đấu lớn nhất thế giới như là vô địch giải WTA Finals ở Singapore hồi năm ngoái, và lọt đến trận chung kết Australian Open hồi đầu năm nay – khi sát cánh cùng với người bạn thủa thiếu thời Timea Babos. Đặc biết, chính việc “nâng cấp” những quả giao bóng đã mang lại cho Mladenovic chiến thắng quan trọng trước Osaka ngay ở Dubai Championships – cô đã trở thành tay vợt đầu tiên đánh bại Osaka sau khi cô này thắng 2 Grand Slam.
“Ngay cả cho dù tôi bị bẻ game cầm giao bóng những 2 lần, thì chỉ số giao bóng của tôi vẫn là rất tốt. Tôi cầm giao bóng 1 rất chắc chắn. Cái cách mà tôi giữ sự điềm tĩnh, đào xới sâu lối chơi của mình, và không nghi ngờ chiến thuật mình đặt ra. Đây là trận đấu kiểu thể lực, vì chúng tôi có một số pha bóng giằng co kéo dài, và lối chơi của đối thủ của tôi thì lại rất đa dạng. Chiến thắng chính là việc đặt được bước chân đúng đắn, và tìm đúng sự thăng bằng”, Mladenovic nhận định về những cú giao bóng và màn trình diễn của mình trong trận thắng thứ 4 ở mùa giải năm nay (trong khi đó, cô cũng đã để thua đến… 5 lần kể từ đầu mùa).
Hướng đến trận đấu tái ngộ nhà ĐKVĐ của US Open và Australian Open, Mladenovic tỏ ra rất hào hứng: “Thật là vui thú, khi được chơi với cô ấy 2 trận liên tiếp chỉ trong vòng 3 tuần. Đây là một nhánh thăm không hề dễ dàng dành cho tôi, nhưng tôi tin rằng, với cô ấy cũng vậy. Sẽ không là dễ dàng khi tái ngộ cô ấy, nhất là sau khi đã gieo sầu cho cô ấy ở Dubai. Đây sẽ là một nhãn hiệu mới của một trận đấu mới. Điều kiện thi đấu ở đây là hoàn toàn khác biệt so với ở Dubai và tôi chắc chắn cô ấy muốn xây dựng một số chiến thắng ở đây. Tôi sẽ bước ra ngoài sân đấu với sự tự tin cao độ và chơi giống như cách chơi hồi 3 tuần trước”.
Về phần mình, Osaka đã hết… khóc nhè. Cô hiện đang tươi cười khi tìm được một HLV mới, ông Jermaine Jenkins. Trớ trêu là, sau khi chia tay HLV người Đức Sascha Bajin (từng một thời là người đánh tập của Serena Williams), cô lại “kết duyên” cùng vị HLV từng một thời là người đánh tập của… Venus Williams, cô chị nhà Williams. Chẳng sao cả, chỉ cần cô cảm thấy thoải mái là được. Và với những biểu hiện gần đây, khi Osaka nhoẻn cười thật tươi và tung tăng trên sân tập, hay trong phòng họp báo để chuẩn bị cho BNP Paribas Open, nơi cô thi đấu với tư cách của một nhà ĐKVĐ giải, thì những áp lực với việc chia tay Sascha hầu như đã không còn.
Chuyến hành trình điên rồ ngày đấy, danh hiệu Premier Mandatory đầu tiên trong sự nghiệp của cô gái trẻ chưa biết thắng 1 giải đấu là gì, chính là bệ phóng để cô giành được 2 danh hiệu Grand Slam liên tiếp ở Flushing Meadows và Melbourne Park, để giờ đây, người ta kỳ vọng cô sẽ kế thừa sự nghiệp đầy màu sắc của Serena. Nhưng trước tiên, Osaka phải học vượt qua áp lực, đối mặt với… nước mắt và phải “báo thù” Mladenovic cái đã…