Công nghệ cầu môn đã chính thức được Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) “bật đèn xanh” trong phiên họp ngày thứ năm và sẽ có hiệu lực tức thì. Ngay từ World Cup các CLB vào cuối năm nay, người ta sẽ được thấy hiệu ứng mà khoa học kỹ thuật sẽ mang lại cho bóng đá.
Áp dụng công nghệ vào bóng đá để xác định các tình huống ghi bàn là đề tài bàn tán sôi nổi suốt một thời gian dài. Trong khi FIFA thích áp dụng công nghệ thì Chủ tịch UEFA Michel Platini lại ủng hộ phương án dùng thêm 2 trọng tài phía sau cầu môn, để bóng đá đơn thuần là trò chơi của con người. Nhưng sau khi Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke công bố thông qua việc áp dụng công nghệ, lịch sử bóng đá đã chính thức bước sang một trang mới.
Có thể nói đây chính là cột mốc quan trọng nhất của môn thể thao vua từ sau sự xuất hiện của thẻ vàng và thẻ đỏ hồi năm 1970. Hai hệ thống GoalRef (dùng một con chip gắn trên quả bóng) và Hawk-Eye (đặt camera ở các cầu môn) sẽ được dùng để quyết định (thay con người) xem quả bóng đã qua vạch vôi cầu môn hay chưa. FIFA World Cup sẽ là nơi thử nghiệm, nếu thành công sẽ được đưa vào sử dụng chính thức tại Confeds Cup 2013 và World Cup 2014.
Các LĐBĐ và giải vô địch trên toàn thế giới sẽ tự quyết định xem lúc nào thì áp dụng hoặc sử dụng hệ thống nào. Thậm chí Premier League hoàn toàn có thể sử dụng Hawk-Eye (hệ thống này có trụ sở tại Anh) ngay giữa mùa bóng 2012-2013. Quyết định áp dụng công nghệ cầu môn vào bóng đá có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi, chẳng hạn như pha ghi bàn của Geoff Hurst (dường như chưa qua vạch vôi) tại World Cup 1966, bàn thắng hợp lệ bị tước của Frank Lampard tại World Cup 2010, của Marko Devic tại Euro 2012 mới đây. Thậm chí Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã gửi lời cám ơn tới Lampard vì nhờ có pha bóng tranh cãi của anh mà ông cùng với các cộng sự đã có thêm quyết tâm thay đổi.
Tổng thư ký LĐBĐ Scotland Stewart Regan nói: “Những năm qua đã có nhiều sai lầm xảy ra trong bóng đá. Mọi thứ có thể giúp trọng tài đưa ra những quyết định chính xác đều tốt cả. Đây là một ngày lịch sử để giúp các trọng tài”. Cùng với Scotland, những LĐBĐ thuộc Liên hiệp Anh từ Anh, Bắc Ailen hay Xứ Gan đều có một chỗ trong IFAB cùng với 4 thành viên FIFA, có quyền ra những quyết định thay đổi môn thể thao vua với điều kiện là 3/4 thành viên phải thông qua.
Chủ tịch UEFA Platini bày tỏ sự lo ngại sự xuất hiện ồ ạt của các công nghệ vào bóng đá trong tương lai. Nhưng IFAB phủ nhận điều này. Thành viên người Anh Alex Horne, nói: “Không một ai trong chúng tôi nghĩ đến chuyện mang thêm công nghệ vào để làm hỏng sự liên tục và tự nhiên của bóng đá. Chỉ dùng để xác định bàn thắng, hết”.
Cũng trong phiên họp hôm thứ năm, IFAB cũng thông qua quyết định cho những người phụ nữ theo đạo Hồi được quấn khăn trùm đầu và mặc đồ dài khi chơi bóng. Trái với sự tranh cãi từ quyết định thứ nhất, quyết định thứ 2 được đông đảo ủng hộ. Năm ngoái, đội tuyển bóng đá nữ Iran bị cấm dự vòng loại Olympic chỉ vì họ từ chối tháo khăn trùm đầu trước trận đấu.
YÊN THANH