Giải bóng bàn vô địch châu Á 2023 được tổ chức tại thành phố Pyeongchang (Hàn Quốc) và chính thức bước vào tranh tài ở ngày 3-9 (theo giờ địa phương) và thi đấu tới hết ngày 10-9. Trong số 21 đội tuyển tới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục tranh tài lần này, đội tuyển bóng bàn Việt Nam vắng mặt. Với riêng khu vực Đông Nam Á, nhiều đội tuyển đã đăng kí tham dự như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào.. nhưng đáng tiếc bóng bàn Việt Nam không tham dự.
Phụ trách bộ môn bóng bàn (Cục TDTT) đồng thời là Tổng thư kí Liên đoàn bóng bàn Việt Nam – ông Phan Anh Tuấn đã cho biết “chúng tôi có sự chuẩn bị chuyên môn với đội tuyển bóng bàn quốc gia. Đội tuyển có hai nhiệm vụ quan trọng nhất là thi đấu SEA Games 32 và ASIAD 19-2022 trong năm nay. Tới đây, đội tuyển tập trung tối đa với những tay vợt tốt nhất chuyên môn tham gia ASIAD 19-2022. Với giải bóng bàn vô địch châu Á 2023, khi xem xét và tính toán về nguồn kinh phí, bóng bàn Việt Nam phải có phương án khả thi nên không dự giải này”.
Trong năm nay, đúng như ông Phan Anh Tuấn phân tích, đội tuyển bóng bàn Việt Nam có đấu trường SEA Games 32 và ASIAD 19-2022 là mục tiêu chính. Chuẩn bị cho SEA Games 32, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã được thực hiện chương trình tập huấn ba tuần tại Trung Quốc sau đó tranh tài ở Campuchia (tháng 5-2023). Kết thúc SEA Games 32, bóng bàn Việt Nam giành được 1 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ. Sau SEA Games 32, trong tháng 6, tuyển thủ của đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã được tới Mỹ tập huấn, giao lưu chuyên môn.
Chuẩn bị cho ASIAD 19-2022, vào lúc này, các tay vợt của đội tuyển quốc gia chỉ tập luyện trong nước và xen kẽ thi đấu các giải quốc nội. Nhưng người làm nghề hiểu rằng, bóng bàn là môn có tính đối kháng cao nên tay vợt cần phải được cọ xát tập huấn, thi đấu với đối thủ quốc tế để nâng thêm trình độ thay vì mãi chỉ tập “chay”, thi đấu trong nước. Những tay vợt đội tuyển quốc gia đã là người có chuyên môn vượt trội hơn nên khi thi đấu trong nước với các đối thủ, họ không gặp khó khăn trong việc giành thành tích.
Hẳn nhiên, ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn Việt Nam hiểu được điều đó. Việc thực hiện các kế hoạch tập huấn hay đăng kí thi đấu giải quốc tế để tăng cường thêm chuyên môn lại phụ thuộc ở mục tiêu và nguồn lực kinh phí từ bộ môn bóng bàn (Cục TDTT) và Liên đoàn bóng bàn Việt Nam. Chúng ta đã quyết định xong 10 tay vợt tham dự ASIAD 19-2022. Từng người họ là những lựa chọn kĩ lưỡng dựa trên chuyên môn, thành tích đã thể hiện được trong các giải quốc nội vừa qua. Bóng bàn Việt Nam không thể mãi chỉ ở trong Đông Nam Á mà cần phát triển hơn ra bên ngoài. Muốn điều ấy, VĐV phải được cơ hội tập huấn, thi đấu giải quốc tế.
Trong ba kì ASIAD gần nhất, bóng bàn Việt Nam có những cuộc đấu của mình nhưng chưa tay vợt nào có kết quả huy chương. Tại ASIAD năm 2010, chúng ta đã tham dự với 8 tuyển thủ; ASIAD năm 2014, bóng bàn Việt Nam không tham dự còn ASIAD năm 2018, chúng ta góp mặt với 9 tay vợt. Chỉ khi có thành tích, bóng bàn Việt Nam nói riêng ở cấp độ đội tuyển sẽ có động lực để phát triển mạnh hơn nữa. Chuẩn bị cho ASIAD 19-2022, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu giành 1 HCĐ tại giải. Thế nhưng, khi tuyển thủ chỉ tập “chay” trong nước, không dự giải quốc tế để cọ xát tăng cường chuyên môn thì mục tiêu trên là rất khó thành hiện thực.
Nguyễn Khoa Diệu Khánh và đồng đội thi đấu các giải trong nước xem như cọ xát để chuẩn bị cho ASIAD 19-2022. Ảnh: D. |
Trên thực tế, bóng bàn là môn có phong trào và sự phổ cập tập luyện, thi đấu tại nhiều thành phố trên cả nước. Người chơi bóng bàn và người hâm mộ bóng bàn rất lớn. Làm sao để đội tuyển bóng bàn Việt Nam đạt được thành tích tại các đấu trường ngoài Đông Nam Á còn là thách thức và nhiều năm qua Liên đoàn bóng bàn Việt Nam chưa thể giải quyết được!
Danh sách các tay vợt bóng bàn Việt Nam đăng kí chính thức dự ASIAD 19-2022 gồm Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Đoàn Bá Tuấn Anh, Lê Đình Đức, Lê Tiến Đạt, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Nguyễn Thị Nga, Trần Mai Ngọc, Bùi Ngọc Lan, Nguyễn Thùy Kiều My.