1. Nhiều người không hiểu về bóng đá Việt Nam vẫn thường hay hỏi: VFF tổ chức đại hội thường niên để làm gì nhỉ? Nó có khác gì các cuộc họp Ban chấp hành VFF hay không? Thực sự, chúng tôi cũng chẳng biết phải trả lời ra sao bởi từ trước đến nay, các đại hội thường niên của VFF luôn diễn ra trong tình trạng: đến họp xong rồi về.
Không khí đại hội thường niên VFF đã diễn ra khá ”êm”… Ảnh: Quang Thắng
Tiêu biểu như đại hội năm 2015 diễn ra trong bối cảnh mà cách đây 3 tháng, Tổng cục TDTT đã dự kiến tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” để bàn kế cải tổ nền bóng đá. Cho dù hội nghị ấy có được tổ chức hay không thì việc Tổng cục TDTT lên kế hoạch như vậy cũng là cách khuyến cáo VFF. Đấy là chưa kể, chính phó chủ tịch của VFF còn công khai bày tỏ quan điểm về sự xuống cấp chất lượng các đội tuyển. Ấy vậy mà ngay đến đại hội thường niên, với sự tham gia của mọi thành phần, đông đảo các thành viên từ phong trào đến chuyên nghiệp, chẳng thấy bàn gì chuyện cải tổ. Thế mới lạ, đến cơ quan quản lý nhà nước còn thấy bức xúc trước tình trạng kém phát triển thế mà những người làm bóng đá lại chẳng cảm thấy gì?! Vậy thì tại sao phải tổ chức đại hội thường niên khi mà vấn đề cần lấy ý kiến của cộng đồng bóng đá nhất lại không được bàn đến?
2. Thực tế thì đại hội thường niên của VFF là một hoạt động chỉ gây sự lãng phí không hơn không kém. Những vấn đề nổi cộm nhất của bóng đá Việt Nam thường nằm ở phần đỉnh cao, tức các CLB chuyên nghiệp. Ngay công tác đào tạo trẻ cũng chủ yếu do các đội bóng ở phân khúc này chịu trách nhiệm chính, mô hình đào tạo năng khiếu tại các địa phương không còn hợp thời. Trong khi đó, các CLB chuyên nghiệp thì đã có thêm VPF quản lý, điều hành và các thành viên của công ty này đã chiếm hơn phân nửa thành viên của VFF. Phân nửa còn lại, biết gì mà góp ý?
Do các vị trí chủ chốt của VFF khóa 7 được bầu thông qua đại hội đại biểu nên sự cần thiết của đại hội thường niên chủ yếu chỉ xuất hiện khi có vấn đề về các chức danh lãnh đạo. Ngoài ra, các vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam chỉ riêng ban chấp hành là đủ khả năng thông qua.
Nói như vậy không có nghĩa đại hội thường niên là không cần thiết. Tuy nhiên, khi tập hợp chừng đó con người về một nơi để họp thì lẽ ra, cái cần bàn là vấn đề chiến lược, có tầm tác động đến mọi lĩnh vực trong bóng đá, có ảnh hưởng đến các địa phương cơ sở, chứ không nên đi vào những chi tiết như sức khỏe ông chủ tịch, số ghế của ông phó chủ tịch, chuyện thu – chi tài chính…
Chỉ có những đại hội thế này thì anh trên đỉnh cao mới nghe được phản ảnh của anh đang lo chuyện đào tạo, gầy dựng phong trào, có như vậy thì mới có sự giúp đở, chia sẻ, phối hợp để “giúp nhau cùng tiến”. Bản thân các thành viên thuộc bóng đá nữ, bóng đá phong trào cũng chỉ có dịp đại hội thường niên mới chính thức đưa ra yêu cầu với các nhà tổ chức bóng đá chuyên nghiệp làm sao để người dân mê đá bóng đá, muốn con em mình đến với bóng đá…
Thật là lãng phí khi bóng đá Việt Nam đang cần một “Hội nghị Diên Hồng” nhưng rốt cục, cũng chỉ gặp nhau một lần cho tốn kém rồi lại đi về.
HỒ VIỆT