Từ sân cỏ đến khán đài

Hồn ở đâu bây giờ?

Bảo Khanh dốc bóng bên cánh phải, trước khi trả ngược cho Văn Quyết băng lên đưa bóng đi sạt cột. Pha bóng ăn ý giữa 2 thế hệ của những cầu thủ được sinh ra từ lò Thể Công trong trận đấu tập huấn giữa Hà Nội T&T gặp SHB Đà Nẵng hôm 19-12 vừa qua, khiến không ít người xem giật mình, rồi tự hỏi nhau: sao cầu thủ Thể Công giờ nối nhau về đá cho Hà Nội T&T?
Hồn ở đâu bây giờ?

Bảo Khanh dốc bóng bên cánh phải, trước khi trả ngược cho Văn Quyết băng lên đưa bóng đi sạt cột. Pha bóng ăn ý giữa 2 thế hệ của những cầu thủ được sinh ra từ lò Thể Công trong trận đấu tập huấn giữa Hà Nội T&T gặp SHB Đà Nẵng hôm 19-12 vừa qua, khiến không ít người xem giật mình, rồi tự hỏi nhau: sao cầu thủ Thể Công giờ nối nhau về đá cho Hà Nội T&T?  

  • Thể Công chỉ còn là kỷ niệm

“Thôi thế là xong. Hết Thể Công được chuyển giao cho Thanh Hóa, giờ đến lượt Viettel về Hà Nội T&T. Khổ thân các cầu thủ, mạnh ai nấy đi tìm đội bóng mới. Buồn và tiếc về cái thời Thể Công đã đi vào trái tim biết bao thế hệ người hâm mộ quá…”, hôm qua, điện thoại cho Nghệ sĩ Đức Trung - cựu chủ tịch Hội CĐV Thể Công, giọng ông không giấu được nỗi buồn khi nhắc chuyện một loạt những đội bóng áo lính nay đã không còn trên bản đồ bóng đá Việt Nam nữa. Ông Trung tâm trạng cũng phải, tên tuổi của Thể Công lẫy lừng như thế, cũng như chiến tích đầy mình là vậy. Giờ chẳng còn đại diện nào tham gia giải quốc nội, nên không tiếc, không buồn sao được.

Hơn 1 năm, sau cái ngày Thể Công chuyển giao về Thanh Hóa đã gây sốc và làm quặn thắt cõi lòng bao người yêu đội bóng áo lính, giờ đến lượt CLB Viettel chuyển hộ khẩu về Hà Nội T&T. Tất cả đều đã diễn ra quá nhanh và khó ngờ về kết cục của lò đào tạo bóng đá nức tiếng một thời này. Thực ra, thông tin đội bóng hạng Nhất Viettel cũng sẽ có số phận từ người anh em Thể Công đã manh nha từ giữa mùa bóng trước. Nó càng hiển hiện rõ hơn khi đội bóng Viettel thi đấu bết bát và phải đối mặt với nguy cơ rớt hạng. Thế mới có chuyện, trận đấu cuối cùng mùa giải giữa Viettel - Huda Huế, sân Hàng Đẫy đột nhiên quy tụ rất đông giới truyền thông và người hâm mộ đội bóng áo lính. Phần vì người ta muốn được chứng kiến thầy trò Đỗ Mạnh Dũng đá đấm thế nào trên con đường trụ hạng, và nhất là muốn hỏi thẳng lãnh đạo Viettel rằng: đội bóng có bị giải tán hay không?
Cuối cùng, thực tế đã có câu trả lời, và những gì dính dáng với cái tên Thể Công, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm trong cuốn sách của lịch sử bóng đá Việt Nam mà thôi.

Đội bóng Thể Công với quá khứ vàng son, giờ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: Quang Thắng

Đội bóng Thể Công với quá khứ vàng son, giờ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: Quang Thắng

  • Mọi con đường đều đổ về.. Hà Nội T&T

Có một sự thật rất phũ phàng là bao công sức, tiền của đã đổ ra để đào tạo nên những tài năng bóng đá mang đậm bản sắc của lò Thể Công, giờ đã đi phục vụ cho đội bóng khác. Còn nhớ năm 2006, Thể Công đã khiến các trung tâm bóng đá nội phải mắt tròn mắt dẹt, khi đưa gần 30 cầu thủ sang Bulgaria đào tạo với kinh phí trên dưới 15 tỷ đồng. Thời điểm ấy, số tiền trên không hề nhỏ khi đầu tư vào bóng đá. Vậy nhưng, khi những Công Huy, Quang Vinh, Ngọc Duy, Quốc Long, Xuân Thành, Minh Đức, Khánh Lâm… trưởng thành qua chuyến tập huấn rất căn cơ đó, giờ mỗi người lại tha phương mỗi nơi.

Đội bóng non trẻ Hà Nội T&T với chính sách “Hà Nội hóa” trong vài năm gần đây đã mở cửa thu nạp một loạt những nhân tài của lò Thể Công ngày nào. Từ những “tượng đài” cỡ Trần Văn Khánh, Cao Cường, rồi lớp sau với Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Phạm Như Thuần, Trần Tiến Anh, Thạch Bảo Khanh, hay trẻ hơn như Ngọc Duy, Quốc Long, Văn Quyết đang là những trụ cột của Hà Nội T&T.

Bóng đá thời kim tiền, đội bóng nào có tham vọng, tài chính và chế độ đãi ngộ tốt, lẽ tất yếu sẽ được người ta chọn lựa. Vậy nhưng, cứ nhìn cái cách dòng máu Thể Công chảy hết về “gã nhà giàu” Hà Nội T&T lại thấy tiếc nuối về quá khứ vàng son của đội bóng từng làm thổn thức biết bao trái tim người hâm mộ. Hết thật rồi, Thể Công!

NGỌC ANH

Các đội bóng đang tham dự V-League có nhà tài trợ thuộc ngành ngân hàng đang e ngại khi bị đụng thương quyền với Eximbank, nhà tài trợ độc quyền của V-League như SHB Đà Nẵng, Navibank Sài Gòn, B.Bình Dương (Maritime Bank)… Mới đây là HA.Gia Lai chưa thể ra mắt nhà tài trợ là VP Bank do đang chờ VFF thông thoáng hơn trong quy định trên. Trao đổi với TTK Trần Quốc Tuấn, được biết VFF sẽ có buổi họp để tìm hướng tháo gỡ cho các đội bóng. Cũng liên quan đến chuyện độc quyền trên, CLB TPHCM cũng chưa có lối thoát khi nhà tài trợ chính của họ, Tôn Phương Nam bị đụng với Tôn Hoa Sen, nhà tài trợ chính của giải hạng Nhất.

H.G

Tin cùng chuyên mục