1. Và đây không phải là lần đầu tiên người Thái đăng quang theo cách như vậy. Họ đã từng phải đá đến hiệp phụ mới thắng Việt Nam ở SEA Games 2003. Họ từng sút luân lưu trong trận chung kết với Indonesia tại Jakarta 1997. Họ từng thắng Malaysia (2 lần), Indonesia từ các sai lầm của chính đối phương tại các trận chung kết khác trong 2 thập niên qua. Vấn đề là từ năm 1993 đến nay, cứ vào đến chung kết SEA Games thì Thái Lan luôn trở thành người chiến thắng. Đó chính là đẳng cấp của một nhà vô địch tuyệt đối.
2. Nhưng tiếc thay, chúng ta luôn quên những chi tiết mang tính chính thức kiểu như vậy. Chúng ta cứ thích nhìn trong một khuôn khổ hạn hẹp, để phán đoán là Thái Lan mạnh hay yếu mà quên mất rằng, sức mạnh của một nền bóng đá đến từ một quá trình chứ không phải chỉ là một cơ may. Chúng ta cứ cố lấy một vài trận đấu thành công nào đó trước Thái Lan để cho rằng, họ không có gì hơn chúng ta mà quên mất rằng, để thắng một chiếc HCV cần phải đá 5-7 trận đấu. Chỉ có một nền bóng đá giàu nội lực mới có thể đi trọn con đường khó khăn như thế.
Nói cách khác, sự thua kém của bóng đá Việt Nam so với Thái Lan đến từ cái cách đánh giá về họ. Chúng ta chỉ thấy Thái Lan đang có một đội tuyển không mạnh so với chính họ, nhưng hoàn toàn không biết là kể cả như thế, họ vẫn mạnh hơn ta.
Đó chính là một nỗi đau khác, ngoài thất bại trên sân bóng.
3. Ai đó sẽ nói rất đơn giản rằng: Đóng cánh cửa này, thì mở ra cánh cửa khác. Khép lại quá khứ, để hướng đến tương lai. Làm được như vậy thì… dễ quá.
Đừng quên, cái đội tuyển U22 Việt Nam vừa thua Thái Lan tại vòng bảng sẽ là nòng cốt của đội tuyển quốc gia trong tương lai. Họ vừa trãi qua một trận thua trực tiếp và toàn diện về mặt năng lực, rồi ngay sau đó, bàng hoàng nhận ra rằng, họ sẽ còn thua thêm nhiều trận đấu nữa nếu Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh hay thậm chí là còn tốt hơn so với SEA Gams lần này. Không ai nhận ra điều đó tường tận như những cầu thủ đá trên sân. Đương nhiên, cầu thủ không có lỗi gì cả. Lỗi thuộc về những người đã vẽ ra ảo tưởng, thúc giục họ tin vào ảo tưởng đấy và sau đó, bỏ mặc lại họ ở lại với những ám ảnh cùng sự mơ hồ về cái gọi là “vượt qua nỗi đau”.