Hội đồng HLV quốc gia phán quyết số phận của Falko Goetz: Mua vải, bán áo

Sau cuộc họp của Hội đồng HLV quốc gia hôm qua, VFF đã tiến thêm một bước dài để… sa thải HLV Falko Goetz. Bởi lẽ, Hội đồng HLV quốc gia đã thống nhất phương án chia tay với ông thầy người Đức.
Hội đồng HLV quốc gia phán quyết số phận của Falko Goetz: Mua vải, bán áo

Sau cuộc họp của Hội đồng HLV quốc gia hôm qua, VFF đã tiến thêm một bước dài để… sa thải HLV Falko Goetz. Bởi lẽ, Hội đồng HLV quốc gia đã thống nhất phương án chia tay với ông thầy người Đức.

Hội đồng HLV quốc gia thống nhất sa thải HLV F.Goetz (trái),đồng thời sẽ tạo điều kiện cho HLV nội. Ảnh: Dũng Phương

Hội đồng HLV quốc gia thống nhất sa thải HLV F.Goetz (trái),đồng thời sẽ tạo điều kiện cho HLV nội. Ảnh: Dũng Phương

Ít tiền mới chọn Goetz

Chỉ có 3/5 thành viên Hội đồng HLV quốc gia dự cuộc họp định đoạt tương lai của HLV Falko Goetz (2 ông Lê Thế Thọ, Dương Ngọc Hùng không tham dự). Thiếu 2 ủy viên phản ứng dữ dội nhất, Hội đồng HLV quốc gia đã sớm đạt được sự đồng thuận về vấn đề Falko Goetz. Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển nói: “Chúng tôi thống nhất chấm dứt hợp đồng với ông Falko Goetz, bởi thành tích của U23 Việt Nam không đạt như kỳ vọng”.

Theo ông Hiển, việc Hội đồng HLV quốc gia chấm Falko Goetz, sau đó VFF ký hợp đồng với HLV người Đức là do những lý do tế nhị. Cụ thể, Hội đồng HLV quốc gia đã chọn ra 5 ứng cử viên từ 30 bộ hồ sơ dự tuyển gửi đến VFF. Thực tế ông Goetz không phải là người tốt nhất, nhưng rốt cuộc lại được chọn vì… tiền.

Ông Hiển nói: “Chúng tôi chọn được 5 người, trong đó có những ứng cử viên rất sáng giá. Có điều những ứng cử viên này đòi hỏi lương bổng quá cao, VFF không đáp ứng nổi. Ông Goetz được chọn làm HLV trưởng vì mức lương và những điều kiện đi cùng hợp lý”.

Quyết định chọn ông Goetz nằm ở khía cạnh tài chính. Nhưng rốt cuộc, việc chấm HLV người Đức này lại là phi vụ… lỗ to, bởi thất bại thê thảm của U23 Việt Nam.

Theo tính toán, ngoài 3 tháng lương đền bù cho HLV F.Goetz khi sa thải trước thời hạn, VFF phải trả lương trong 8 tháng HLV người Đức này đảm đương công việc. Như vậy, gần 200 ngàn USD (gần 5 tỷ đồng) đã phải bỏ ra cho ông Goetz, đổi lại cho bóng đá Việt Nam lúc này chỉ là sự thất vọng đến cùng cực.

Chấm HLV nội

Ở phiên họp hôm qua, Hội đồng HLV quốc gia đã thống nhất quan điểm, một khi chia tay với HLV Falko Goetz, người được chọn kế nhiệm ông thầy người Đức là HLV nội.

Ông Hiển nói: “Chúng tôi đã thống nhất, tất cả các vị trí đầu tàu của các đội tuyển từ U19 đến tuyển quốc gia sẽ do HLV nội dẫn dắt. Tất nhiên, chấm HLV nội không có nghĩa, mọi việc dễ dàng. Còn phải phụ thuộc hàng loạt yếu tố như chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc. VFF phải đảm bảo các quyền lợi, điều kiện tốt nhất thì tôi tin, HLV nội đủ sức hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo ông Hiển, việc đặt niềm tin vào thầy nội không phải chỉ được đưa ra sau thất bại đối với thương vụ Falko Goetz. Bởi thực ra, Hội đồng HLV quốc gia đã muốn tiến cử thầy nội cho VFF sử dụng từ khi HLV Calisto chia tay, đặc biệt là VFF đã thống nhất với phương án này. “Tôi tiếc là các HLV nội đã thẳng thừng từ chối”, ông Hiển nói, “Chính tôi là người đã điện và đề nghị các HLV Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng, nhưng họ không nhận lời vì vướng đến công việc ở CLB. Vì thế, nếu VFF muốn chọn thầy nội đảm đương, VFF phải có cải cách trong tư duy, chế độ đãi ngộ nếu thật sự muốn thầy nội cầm quân”, ông Hiển nói.

Trong số các ông thầy nội được “ngắm nghía”, HLV Mai Đức Chung cho hay, ông mới nhận được lời gợi ý. Tuy nhiên, hiện ông Chung chưa gật đầu, dù vẫn chấp nhận đảm đương việc tìm kiếm, theo dõi để tuyển chọn cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam. Riêng HLV Phan Thanh Hùng, ứng cử viên sáng giá nhất, thì đang vướng bận công việc ở CLB Hà Nội T&T nên chưa có quan điểm cụ thể.

Thanh Chi

Tin cùng chuyên mục