Học nữa, học mãi…

Nghe nhiều thành ra quen, đôi khi là nhàm chán, nhưng sự liên tưởng giữa bóng chuyền Việt Nam và Thái Lan thì mãi không thể chấm dứt được, chủ yếu trên góc độ mà chính những nhà chuyên môn phân tích rằng chúng ta phải học hỏi từ người bạn này một phong cách, một tư duy đầu tư và phát triển bền vững…

Bất cứ đội tuyển bóng chuyền nào ở Đông Nam Á hễ đánh bại được Thái Lan thì đều xem là gây sốc, trong đó có cả Việt Nam, xứ sở vẫn được chính người Thái tính như 1 đối trọng thực sự trong khu vực. Trên thực tế, luôn có sự cách biệt về trình độ chơi bóng giữa Thái Lan và Việt Nam, mà dựa trên cơ sở nào thì rất nhiều người đã biết: là tư duy cấp tiến, là sự tâm huyết về chuyên môn và tầm vóc quan hệ với thế giới của những nhà quản lý bóng chuyền quốc gia.

Hơn thập niên qua, bóng chuyền Việt Nam vẫn học người Thái “miệt mài”. Ảnh: Dũng Phương

Nói chung, dù chưa thể so sánh chính xác quốc gia nào, Việt Nam hay Thái Lan, đang sở hữu nguồn nhân lực dồi dào hơn về bóng chuyền, nhưng tính trong vòng hơn 1 thập niên qua, người Thái vẫn xếp trên chúng ta 1 bậc về tốc độ phát triển. Nó xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng cơ bản vẫn là người Thái chịu khó mày mò, tìm kiếm và học hỏi từ bạn bè, trong lúc bóng chuyền Việt Nam suốt một thời gian dài chỉ “đóng cửa tự chơi”, gần như lắc đầu tiếp nhận các phương pháp huấn luyện hoa học của bóng chuyền thế giới…

HLV Kiattipong Radchatagriengkai - người được xem là công thần trong chiến tích 2 lần vô địch châu Á của bóng chuyền nữ Thái Lan - mới đây đã chia sẻ rất cảm động về đội tuyển quốc gia và các học trò của ông: “Nhờ họ, những con người đã luôn bên cạnh tôi, cùng tôi trải qua niềm vui cũng như nỗi buồn để giúp Thái Lan phát triển môn thể thao được yêu thích này. Bóng chuyền nữ Thái Lan đã 2 lần bước lên đỉnh châu Á như một minh chứng cho việc xây dựng một đội ngũ hỗ trợ mang đẳng cấp của thế giới. Chúng tôi đã phải hy sinh gia đình và thời gian cá nhân để làm việc. Bên cạnh tôi luôn có những người bạn, anh chị em, tất cả họ là một phần quan trọng để làm nên những thành tích này. Tôi có một người trợ lý tận tụy với công việc, luôn giúp đỡ các VĐV lớn tuổi có thể hồi phục và giữ được phong độ đỉnh cao. Tôi có những người trợ lý sẵn sàng chia sẻ với mọi thành viên trong đội bóng về những niềm vui, nỗi buồn và ngay cả những áp lực. Họ giúp chúng tôi sắp xếp thời gian một cách khoa học thậm chí nhắc nhở ngay cả khi chúng tôi để quên đồ. Bên cạnh tôi là những tiến sĩ y học, họ giúp chúng tôi phục hồi sau mỗi ngày tập luyện căng thẳng, giúp chúng tôi vượt qua chấn thương và hỗ trợ chúng tôi có một bữa ăn ngon miệng nhưng phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt với bóng chuyền nữ Thái Lan luôn được các nhà khoa học, sinh lý, vật lý… song hành, họ nghiên cứu cường độ, phân tích hệ cơ xương, thống kê kỹ chiến thuật, điểm mạnh, điểm yếu của từng cá nhân để từ đó đưa ra hướng phát triển tốt nhất. Tôi tin rằng dù không có tôi thì các bạn vẫn sẽ luôn nắm tay để cùng nhau nghiên cứu và phát triển. Hãy giúp nhau có thật nhiều kiến thức, hãy vì lợi ích chung của bóng chuyền nữ Thái Lan”.

Tức là, qua tâm sự chân thành của nhà cầm quân số 1 Đông Nam Á này, người ta có thể hình dung được bóng chuyền nữ Thái Lan đã được xây dựng trên nền tảng chắc chắn ra sao, dựa vào tinh thần đoàn kết, thái độ lao động chuyên nghiệp như thế nào trong suốt một thời gian dài. Thành công dĩ nhiên chỉ đến với những cách làm tâm huyết, cách chăm sóc VĐV kỹ lưỡng và khả năng ứng dụng hiệu quả các giải pháp khoa học trong tập luyện và thi đấu thể thao.

Làm như thế, họ mới sản sinh ra những thế hệ VĐV tài năng như Wilavan Apinyapong, Pleumjit Thinkaow, Onuma, Malika, Nootsara Tomkom, Amporn… thống trị đấu trường SEA Games gần 10 kỳ đã qua, không ít lần gây tiếng vang ở châu lục và thế giới. Ở tuổi 32, chủ công Wilavan vẫn bật ào ào, vẫn tấn công sau vạch 3m mạnh và chắn bóng khéo léo. “Người không phổi” của bóng chuyền nữ Thái Lan đang nắm giữ nhiều kỷ lục mà chưa có bất cứ VĐV nào ở Đông Nam Á từng làm được. Trong hơn 15 năm chơi chuyên nghiệp đến giờ, Wilavan đã khoác áo… 12 CLB, từ Việt Nam, Azerbaijan, Trung Quốc cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha. Điều thú vị chính là xuất phát điểm cho sự nghiệp đánh thuê khắp châu Á và châu Âu của chủ công Wilavan chính là Việt Nam, trong màu áo một số CLB đấu ở giải đội mạnh và trong trào lưu “xuất khẩu” ào ạt VĐV bóng chuyền Thái Lan sang Việt Nam cũng như nhiều nước khác ở châu Á.

Người Thái làm theo cách từng giúp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thành công ở đấu trường châu lục và thế giới, khơi gợi nên một trào lưu cho bóng chuyền Đông Nam Á. Thế nhưng, chẳng quốc gia nào theo kịp, hoặc nếu có biết cũng chỉ trầm trồ trước sự vươn mình mạnh mẽ của họ, mà không dám thay đổi, cách tân theo tấm gương điển hình Thái Lan, dù đấy không hẳn là thách thức quá lớn.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục