Họ, VFF, đã ở đâu?

Chúng tôi đã rất nhiều lần đề cập về chuyện VFF hầu như không làm gì để tôn vinh những cá nhân xuất sắc của làng cầu mà họ đang quản lý dù về lý thuyết, bất kỳ sự kiện hay hoạt động gì liên quan đến bóng đá, người ta cũng phải báo cho họ một tiếng trước khi làm.

Tại trụ sở hoành tráng của họ tại Mỹ Đình, thậm chí cũng chẳng có một “Hall of Fame”, tạm gọi là nơi lưu dấu lịch sử bóng đá Việt Nam thông qua các cá nhân và tập thể đã đóng góp cho lịch sử bóng đá nước nhà.

Bóng đá Việt Nam chỉ mới trải qua 100 năm hình thành và phát triển, không quá khó để thống kê, sưu tầm và xây dựng những chương trình để hệ thống lại lịch sử bóng đá nước nhà vốn trải qua nhiều biến động do thời cuộc. Đa số nhân chứng của lịch sử vẫn còn đó. Thời oai hùng của quá khứ vẫn chưa quá xa, thời hoàng kim của hiện tại cũng chỉ mới diễn ra mươi năm trước. Không tôn vinh họ lúc này thì còn lúc nào?

Vậy mà không có những trận đấu chia tay sự nghiệp cho thế hệ vàng 1995. Không có một tổ chức do VFF thành lập để tập hợp những cựu danh thủ đã một thời vang bóng trên sân cỏ. Không có những giải thưởng để tôn vinh người của quá khứ lẫn hiện tại.

Cách VFF nhìn về quá khứ như thế nào thì có lẽ, chính cái trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đang bỏ không chính là câu trả lời xác thực nhất. Một tổ chức quản lý bóng đá mà chưa trân trọng quá khứ thì làm sao làm được những điều gì cho tương lai?

Quỹ bóng đá mang tên Phạm Huỳnh Tam Lang ra mắt ngày hôm nay là ý tưởng và nỗ lực không biết mệt mỏi của Chi hội Cựu cầu thủ bóng đá TPHCM, một tổ chức chưa từng được VFF thừa nhận nhưng lại làm điều mà VFF nên và phải làm.

Vậy VFF đã ở đâu trong dòng chảy của bóng đá Việt?

Việt Long

Tin cùng chuyên mục