“Tôi có 4 năm để sẵn sàng cho World Cup 2002 và mọi thứ là cả một quá trình dài”, HLV Troussier nói trong buổi trả phỏng vấn trên trang chủ Liên đoàn Bóng đá châu Á cách đây ít lâu. “Cả đất nước Nhật Bản đã chuẩn bị rất nhiều thứ, từ trong đến ngoài sân cỏ để hướng đến giải đấu bóng lớn nhất hành tinh lần đầu tiên diễn ra ở châu Á... Về chuyên môn, tôi phụ trách cùng lúc 3 đội tuyển U19, U23 và Nhật Bản. Số cầu thủ tôi phải quản lý lên tới hơn 150 người”.
U19 Nhật Bản giành ngôi á quân thế giới tại U19 World Cup 1999; đội U23 vào đến tứ kết Olympic Sydney 2000, trong khi đội tuyển vô địch Asian Cup 2000 rồi về nhì tại Confederations Cup 2001. Thay vì gọi lên nhiều cựu binh, cố giành ngay kết quả tốt để giữ lấy chiếc ghế, ông Troussier đã tiến hành cuộc trẻ hóa toàn diện ở đội tuyển Nhật Bản và kết quả là họ đã vượt qua vòng bảng World Cup 2002 trên sân nhà.
Bóng đá Việt Nam đã từng có chiến lược chọn Nhật Bản làm hình mẫu để phát triển. Chúng ta đã hợp tác với J-League để từng bước chuyên nghiệp hóa V-League. Chuyên gia Nhật Bản đã sang làm trưởng ban tổ chức giải đấu số 1 Việt Nam và HLV châu Á đầu tiên của đội tuyển cũng là một người Nhật Bản (Toshiya Miura). Việc chọn HLV Troussier - đại công thần bóng đá Nhật Bản - có lẽ cũng nằm trong chiến lược vốn được khởi đi từ năm 2014.
Có một điều trùng hợp, đó là ông Troussier cũng bắt đầu với đội U19, rồi sau đó là U23 và đội tuyển quốc gia. Ông và bóng đá Việt Nam cũng có thể nói là bổ sung cho nhau. Chiến lược gia người Pháp đã ở xa thời đỉnh cao của mình, tại Việt Nam, ông đang có một cuộc phiêu lưu ở tuổi xế chiều nhưng thử thách thì không khác gì khi bắt đầu tại Nhật Bản bởi lẽ bóng đá Việt Nam đang ở trình độ thấp, kém xa kể cả so với bóng đá Nhật Bản hơn 20 năm trước. Sự hợp tác này, giống như “vì ta cần nhau” vậy.
Ở 2 lần gặp nhau gần nhất giữa 2 đội tại vòng loại World Cup 2022, Việt Nam thua 0-1 trên sân Mỹ Đình và hòa 1-1 ở Nhật Bản. HLV Park Hang-seo từng thốt lên: “Đến bây giờ tôi mới hiểu kiếm được 1 điểm khó đến mức nào” sau các trận đấu với Nhật Bản. Dù về thành tích đối đầu, Việt Nam đang dần có kết quả tốt trước Nhật Bản, từ trận thua 1-4 ở Asian Cup 2007, sau đó là liên tiếp 3 trận thua đều với tỷ số 0-1 trước khi cầm hòa 1-1 trong lần gặp cuối cùng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 đội chắc chắn vẫn còn khá lớn.
Hai đội bóng đến từ Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia vừa nhận 2 trận thua với tỷ số 0-5 trước lần lượt Nhật Bản và Iran, những ứng cử viên của chức vô địch Asian Cup. Nếu bổ sung thêm với thất bại 0-6 trước Hàn Quốc của Việt Nam ở đợt trận giao hữu hồi tháng 11, thì chúng ta có ngay một đáp án tương đối rõ ràng về cái gọi là khoảng cách giữa Đông Nam Á với tốp đầu châu lục.
Nếu HLV Troussier có đến 4 năm để chuẩn bị cho cú “vượt vũ môn” của bóng đá Nhật Bản tại World Cup 2002, thì ở Việt Nam hiện tại, ông chỉ mới có hơn 9 tháng nhưng lại chịu áp lực phải thành công ở Asian Cup 2023 cũng như vòng loại World Cup. Trận đấu với Nhật Bản ngày ra quân sẽ cho chúng ta biết liệu ông Troussier có tạo ra “phép mầu” hay không với thử thách về thời gian.