Bài trả lời phỏng vấn của HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura trên một kênh truyền hình Nhật Bản đã được nhiều người quan tâm đến bóng đá Việt Nam chú ý, khi chuyên gia người Nhật này đã chỉ ra nhiều vấn đề rất đáng để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải lưu tâm. Trong đó ông Miura đưa ra 3 ý: Thứ nhất, tư duy chơi bóng của cầu thủ Việt Nam quá lạc hậu, chủ yếu dựa trên kỹ thuật cá nhân chứ không chơi theo ý thức chiến thuật. Thứ hai, V-League là một giải đấu quá nặng nề khi thời gian thi đấu quá ít, công tác điều hành kém, thời gian thi đấu bất lợi. Và thứ ba, bóng đá Việt Nam muốn tiến bộ nhưng chẳng có mục tiêu cụ thể nào, công tác điều hành của VFF nặng hành chính, chậm thay đổi, tham vọng gần như không có. (ông Miura trả lời phỏng vấn sau Asiad 17, trong chuyến tập huấn cùng đội tuyển tại Nhật Bản).
HLV Toshiya Miura. Ảnh: HOÀNG MINH
Như chúng ta biết, đội tuyển dưới tay ông Miura đã có những chuyển biến mạnh mẽ nhưng thất bại tại AFF Cup 2014 rõ ràng cần được mổ xẻ đến nơi đến chốn bởi dường như đó chỉ là hậu quả của 3 “căn bệnh” mà ông Miura đã nhận thấy dù chỉ mới có mấy tháng làm việc.
Dù không trực tiếp nói về VFF, nhưng những đánh giá của ông Miura cho thấy chính cách điều hành nền bóng đá đã khiến cho thành tích của đội tuyển quốc gia thiếu ổn định, không đẳng cấp. Ví dụ, ông cho rằng, dù hô hào đội tuyển quốc gia phải “tiến từng bước một”, nhưng bản thân VFF lại không làm được như vậy. Họ không đặt tham vọng mạnh mẽ cho đội tuyển, chỉ nghĩ đến thành tích tại SEA Games, AFF Cup. Họ không cải thiện môi trường thi đấu của V-League, chỉ thực hiện theo kiểu “đến hẹn lại lên”, không có chuyển biến nào về công tác thi đấu. Các CLB không bị ràng buộc về cách huấn luyện, về phát triển trình độ chơi bóng. Ở một giải vô địch quốc gia thiếu tính cạnh tranh thì đương nhiên, cầu thủ cũng chơi bóng một cách vừa phải, không cống hiến toàn bộ năng lực, từ đó chỉ cố gắng biểu diễn kỹ thuật mang tính cá nhân.
VFF khóa 7 đã có chiến lược học tập bóng đá Nhật Bản và những chuyên gia nước bạn như Trưởng BTC V-League Tanaka Koji hay HLV Miura đã nhanh chóng chỉ ra các điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn làm việc. Rõ ràng, những điểm yếu đó ở ngay trước mắt VFF, nhưng đến nay hầu như chưa có sự thay đổi nào mang tính chiến lược. Có thể nói, nếu VFF không mạnh tay cải tổ từ chính cách làm việc của mình, thì V-League cũng như các đội tuyển quốc gia, vẫn phải tiếp tục “sống mòn”.
ĐĂNG LINH