Hướng đến Australian Open 2016
Biệt ly, đó sẽ là một khúc ca mang đậm âm hưởng của buồn đau và nước mắt, hay là một khúc tráng ca tràn ngập nụ cười? Đối với Lleyton Hewitt, Australian Open 2016 - lần tham dự Grand Slam ở Melbourne Park thứ 20 liên tiếp, và cũng là lần cuối cùng - chính là một khúc ca biệt ly, ở đó cũng sẽ có nước mắt, nhưng chắc chắn, những nụ cười sẽ ngập tràn dưới cái nắng sôi nổi và ấm áp của mùa hè…
Lleyton Hewitt.
Để chuẩn bị cho Australian Open 2016 - Hewitt đã bắt tay vào tập luyện suốt từ đầu tháng 11 với 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần… không hề ngừng nghỉ, với 800km chạy và đánh bóng ở cường độ cực cao, bơi lội, tập quyền Anh và gia tăng sức mạnh. Anh đang tỏ ra cực kỳ nghiêm túc cho kỳ Australian Open cuối cùng trong sự nghiệp lẫy lừng của mình với hy vọng, sẽ để lại một khúc ca biệt ly khiến người người nhớ mãi.
Ở cái thời điểm khi mà hình ảnh đang dần bị che khuất bởi những ngôi sao trẻ trung và tươi tắn như là Bernard Tomic, Nick Kyrgios, Thanasi Kokkinakis, Hewitt vẫn giữ được dáng điệu của một ngôi sao lớn, phong cách thi đấu - chiến đấu hết mình trong mỗi trận đấu như thể đó chính là thời khắc cuối cùng khiến Hewitt có cơ hội làm việc với rất nhiều đối tác và rất nhiều người đã phải nản lòng buông tay vì không theo đuổi nổi những nỗ lực đến kỳ cùng của tay vợt năm nay đã 34 tuổi (bằng tuổi Roger Federer nhưng thành danh sớm hơn tay vợt người Thụy Sĩ, đăng quang Grand Slam đầu tiên hồi năm 2001 - ở US Open) quê ở Adelaide.
“Xét về khả năng chịu đựng và độ bền khi thi đấu thể thao chuyên nghiệp ở đẳng cấp trong suốt 20 năm qua (Hewitt chính thức chuyển sang chơi quần vợt chuyên nghiệp từ hồi năm 1998, nhưng trước đó, anh đã có mấy mùa giải tham gia ATP World Tour khi chủ yếu vẫn thi đấu ở các hệ giải trẻ đẳng cấp Challenger), sẽ không có nhiều VĐV có thể kết hợp hay so sánh được với Lleyton về cường độ thi đấu, tính vững vàng trên cơ sở ngày qua ngày. Anh ấy chưa bao giờ đau đớn. Anh ấy luôn bước sang ngày mới với cùng một nguồn năng lượng và sự tận tâm. Kết cấu cơ thể của anh ấy, những khả năng kỳ diệu về di truyền thông cơ thể của anh ấy giống như được trời phú, không phải bất kỳ ai cũng có được những tố chất như vậy”. HLV thể lực của Hewitt, ông Nathan Martin, đã tiết lộ như vậy với AAP.
Dù trải qua số trận đấu không bằng với Federer, nhưng con số 876 trận đấu trong sự nghiệp, trong đó phần lớn các trận đấu là những cuộc chạy đua marathon dài 5 ván đấu, và phong cách thi đấu bền bỉ, quyết chiến cho từng điểm số một, cho thấy Hewitt là một tay vợt có nền tảng thể lực cực tốt. Nhiều người xem Rafael Nadal chính là “phiên bản nâng cấp” của Hewitt, nhưng liệu tay vợt người Tây Ban Nha có thể tiếp tục thi đấu khi đã bước sang bên kia của tuổi 30? Không phải tự nhiên, sự vươn lên của Hewitt báo hiệu sự chững lại của Andy Roddick, người lý ra đã thắng thêm ít nhất một danh hiệu Grand Slam nếu không phải do lối đánh kết liễu điểm số vội vã của anh bị khắc chế bởi lối chơi bền bỉ của Hewitt.
HLV Martin nghi ngờ rằng, chỉ có vài tay vợt trong lịch sử của làng quần vợt nam thế giới mới có khả năng “bao phủ sân đấu” nhiều kilomet hơn so với anh chàng đã từng giành được 2 danh hiệu Grand Slam (ngoài ngôi vô địch US Open 2001, Hewitt còn đăng quang Wimbledon 2002, với anh, luyến tiếc nhiều nhất chính là chưa bao giờ lên ngôi vô địch ở Grand Slam tại quê nhà, dù đã lọt đến trận chung kết hồi năm 2005 - thua Marat Safin vốn đánh bóng như lên đồng): “Xét về khối lượng tập luyện và số kilomet đã chạy qua để bao sân, chỉ có Jimmy Connors là người có thể so sánh với Hewitt. Nhưng ngay cả như vậy, anh ấy vẫn không phải là số 1 thế giới khi mới 20 tuổi”.
Hiện tại, một ngày tập luyện “bình thường” của Hewitt (nhưng là rất “bất thường” nếu đó là ai đó, cũng 34 tuổi, mà không phải là anh) bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng với 3 tiếng đồng hồ đánh bóng ở một sân đấu ngay sau nhà tại Sydney. Chuyên gia phòng ngự cuối sân, một sát thủ đánh bóng sát đường biên ngang luôn đánh bóng cùng những tay vợt như Matt Reid, Dayne Kelly, Matthew Barton hay những gã trai trẻ như là James Duckworth và Jordan Thompson. “Anh ấy chỉ dừng lại 3 lần trong khoảng 2 phút đồng hồ để uống nước”, HLV Martin cho biết. Sau 3 tiếng đồng hồ “làm nóng”, Hewitt sẽ nghỉ khoảng nửa tiếng ăn một miếng bánh xăng-uých để tiếp tục tập luyện điều hòa lại cơ thể với bất kỳ bài tập hữu dụng nào, quyền Anh, chạy bộ - bơi lội - chạy bộ, chạy nước rút, tập ngay trên sân tập, leo cầu thang, đu người... Tiếp theo đó là quá trình hồi phục, tập trung vào quá trình bù nước điện giải, dinh dưỡng và xoa bóp, kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ trước khi Hewitt chấm dứt buổi tập vào lúc 4 giờ chiều.
Sau đó, anh sẽ dành thời gian cho gia đình, dù thông thường cũng là những hoạt động mang tính thể chất như đấu bóng rổ, chơi quần vợt với các con của mình, tái tạo bản thân và suy nghĩ về nhiệm vụ HLV mà anh mới đảm nhận trong màu áo đội tuyển quần vợt Australia ở đấu trường Davis Cup, và ngâm nước đá khoảng 15 phút đồng hồ. Lúc đó, thời gian một ngày của Hewitt tầm vào khoảng 8 giờ tối.
Với sự chuẩn bị tối đa đến như vậy, HLV Martin đang hoài nghi rằng liệu sẽ có ai có được sự sẵn sàng như là Hewitt trước thềm Australian Open 2016? “Rõ ràng, việc anh ấy tiến xa như thế nào ở Melbourne Park năm sau, vẫn phụ thuộc vào sự an bài của nhánh thăm. Nhưng điều duy nhất mà tôi biết là bạn sẽ phải lôi tuột anh ấy ra khỏi sân đấu. Anh ấy sẽ không để thua đâu. Bạn phải đánh bại được anh ấy”, HLV Martin thừa nhận.
ĐỖ HOÀNG