Đã chuẩn bị, tập trung mọi thứ trên sân nhà, nhưng một chiến thắng vẫn không đến với các cầu thủ HAGL dù đối thủ của họ là XSKT Cần Thơ có hàng phòng ngự yếu nhất giải (để lọt lưới 44 bàn). Trái lại, HAGL may mắn cầm hòa khi một cầu thủ bị thẻ đỏ trực tiếp do hành vi đánh nguội. Nhìn các gương mặt thiểu não của các cầu thủ sẽ cảm nhận được dường như hy vọng của họ đã gần tắt hết…
Cuộc đua nhóm cuối V-league hiện nay có lẽ “hấp dẫn” hơn việc tranh ngôi vô địch. B.Bình Dương với đội hình mạnh đã củng cố ngôi đầu bảng và khó ai có thể thay đổi điều này nếu không có sự đột biến lớn. Trong khi đó, nhóm cuối là “sân chơi” của XSKT Cần Thơ, Đồng Nai và HAGL. Tân binh XSKT Cần Thơ và Đồng Nai vốn được dự báo trước, nhưng hồi khai giải không ai có thể nghĩ được HAGL lại nằm trong nhóm này.
Sự thật không thể nghĩ ra ở đầu giải bởi khi đó HAGL được xem là hiện tượng lớn nhất V-league năm nay với dàn cầu thủ mới toanh. Là hiện tượng của giải nên truyền hình lên danh sách tường thuật trực tiếp một mạch tất cả các trận đấu của CLB này với hy vọng sẽ “thắng đậm” về số người xem và vấn đề truyền thông. Các sân mà CLB này đến đấu đều sốt vé, còn sân nhà Pleiku ngay trận đầu đã “vỡ sân” với một lượng khán giả lớn phải tràn xuống mặt cỏ đứng xem.
HAGL cũng tạo ra một cách làm chưa từng có ở V-league là bán vé trọn mùa giải, khán giả có thể mua đứt chỗ ngồi riêng cho mình trọn năm với tên được in trên áo cổ động và trên ghế ngồi. Dàn cựu binh HAGL được thanh lý hợp đồng và thoải mái ra đi tứ xứ, nhường sân chơi lại cho đàn em được cưng như trứng đảm nhận. Hơn hết, những người làm bóng đá bấy giờ nghĩ rằng mô hình HAGL sẽ là điểm sáng chói để nhân rộng theo triết lý: bóng đá không cần kế thừa giữa các thế hệ, chỉ cần đá đẹp là có thể “chinh phạt” khắp nơi.
Thế rồi mới nửa chặng đường, mọi thứ đã thay đổi gần như trái ngược với ban đầu. Khán giả không còn ùn ùn đến sân xem mặt cầu thủ nữa. Sân nhà Pleiku đã bắt đầu trống trải khán đài, điều hiếm xảy ra ở các mùa giải trước đó. Trên sân, không còn thấy được hình ảnh của đội hình “dream team” mà chỉ còn những gương mặt thất thần, âu lo, sợ sệt. Công Phượng, Tuấn Anh, Thanh Hậu… dường như chỉ còn là cái bóng của chính mình. Chờ đón họ sau mỗi trận đấu căng thẳng là vị trí chót bảng xếp hạng quá nghiệt ngã.
Ai gây ra cái kết nghiệt ngã như vậy? Chắc chắn không phải các cầu thủ. Người của liên đoàn bóng đá cổ vũ cho mô hình “trẻ hóa kiểu HAGL” đã im hơi lặng tiếng không một lời giải thích. Ông bầu của CLB xem ra rất khó xử vì trót áp con đường đi ấy nhưng giờ không thể thừa nhận sai lầm vì nhiều lý do “tế nhị”. Người hâm mộ thì lại một lần nữa “vỡ mộng” và bi quan hơn khi nghĩ bóng đá Việt Nam đã có lối ra thì giờ đây ánh sáng cuối đường hầm lại tắt ngấm.
Bao nhiêu đó cho thấy thất bại của HAGL đến giờ này không còn là thất bại trong phạm vi một CLB nữa. Đó là thất bại trong cách làm ăn xổi ở thì không thể thay đổi từ trước tới nay
PHƯƠNG NAM